Procurement Supply Chain

Buy in Bulk – Thật sự mang lại hiệu quả tối ưu chuỗi cung ứng?

Buy in Bulk - Thật sự mang lại hiệu quả tối ưu chuỗi cung ứng?
  • Buy in Bulk là gì?

Thuật ngữ Buy in Bulk trong chuỗi cung ứng được biết đến khi đề cập đến hoạt động thu mua. Buy in Bulk được hiểu là mua hàng loạt hay mua hàng với số lượng lớn hơn số lượng mua thông thường đối với cùng một loại hàng hoá. Đây là một chiến lược mua hàng thường thấy ở các chuỗi cung ứng, doanh nghiệp thường sẽ dựa vào nhu cầu của họ để thực hiện loại hình mua hàng này. 

  • Ưu điểm của Buy in Bulk

 

 

  • Tiết kiệm chi phí:

Thông thường, khi mua hàng với một số lượng lớn, người mua sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn so với khi mua số lượng nhỏ. Có thể lý giải điều này là vì khi đặt một lượng hàng lớn, nhà sản xuất chỉ tốn chi phí cho 1 lần sản xuất và vận hành, bên cạnh đó là chi phí giao hàng cũng được tiết kiệm, do đó giá bán cũng sẽ được giảm đáng kể. Và đây cũng là mục đích chính khi doanh nghiệp chọn mua hàng theo hình thức này.

  • Tiết kiệm thời gian:

Thay vì phải đặt hàng theo tuần, nghĩa là bạn phải mất hơn 4 lần vận chuyển trong một tháng. Chắc hẳn bạn cũng hiểu rõ rằng vận chuyển hàng hoá không phải là một việc dễ dàng. Mỗi lần vận chuyển, bạn cần phải lên kế hoạch và tốn thời gian cho việc giám sát lô hàng. Thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ chọn mua số lượng lớn và dự trữ hàng cho một tháng. Điều tất nhiên, thời gian sẽ được tiết kiệm rất nhiều so với khi trải dài số lần mua hàng.

  • Giảm rủi ro thiếu nguồn cung

Nếu bạn là doanh nghiệp sản xuất lớn, Buy in Bulk sẽ là lựa chọn được ưu tiên nhiều hơn. Vì nó giúp hạn chế việc gián đoạn nguồn cung, hàng hoá luôn sẵn sàng để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, khi dự báo sức mua cao, chẳng hạn như vào mùa lễ hội, các công ty sản xuất thường sẽ chọn mua và dự trữ hàng số lượng lớn để tránh nguy cơ không đủ hàng cung cấp vào thời gian cao điểm. 

  • Giá cạnh tranh:

Ngoài việc tiết kiệm chi phí, mua hàng số lượng lớn sẽ giúp doanh nghiệp có được giá bán vô cùng cạnh tranh, nghĩa là giá bán ra trên cùng 1 sản phẩm sẽ thấp hơn so với các doanh nghiệp khác. Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hoặc từ việc mua được nguồn hàng giá thấp, các doanh nghiệp có thể triển khai nhiều chương trình khuyến mãi khủng nhằm thu hút khách hàng và tạo thị phần lớn mạnh trên thị trường.

  • Bảo vệ môi trường:

Các chuỗi cung ứng hiện đại luôn hướng đến yếu tố bảo vệ môi trường, việc mua hàng số lượng lớn cũng đóng góp một phần không nhỏ. Có thể thấy, mua hàng số lượng lớn sẽ giảm đáng kể số lượng bao bì nhựa đóng gói, giảm lượng khí Carbon. Ví dụ: khi bạn 10 trái táo, người bán sẽ bỏ vào cùng 1 túi Nilon. Nhưng nếu chia thành 2 lần mua, mỗi lần 5 trái, số lượng túi sẽ tăng gấp đối, điều này cũng tương tự khi áp dụng vào việc mua hàng trong chuỗi cung ứng. Không những thế, việc mua hàng số lượng lớn cũng làm giảm số lần vận chuyển, đồng nghĩa với việc lượng khí ô nhiễm thải ra cũng giảm theo.

  • Điều kiện cần có khi  mua hàng số lượng lớn

Buy in Bulk – mua hàng số lượng lớn mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp, tuy nhiên để thực hiện chiến lược mua hàng này, doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện,

  • Đáp ứng về mặt không gian lưu trữ

Không gian lưu trữ là một trong những điều kiện được nghĩ đến đầu tiên khi doanh nghiệp quyết định mua hàng số lượng lớn. Nếu kho hàng không thể đáp ứng, doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư 1 khoản phí để mở rộng kho lưu trữ.

  • Đánh giá nhu cầu thị trường

Trước khi thực hiện mua hàng số lượng lớn, nhà mua hàng cần kết hợp cùng bộ phận hoạch định nhu cầu (Demand Planning) đánh giá nhu cầu và sức mua của thị trường. Nếu mua hàng số lượng lớn chỉ vì tiết kiệm chi phí mà không dự báo nhu cầu của người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ gặp phải những rủi ro về hàng tồn kho như: hư hỏng hàng hóa, hàng quá hạn sử dụng, lỗi thời,…

  • Đánh giá mức độ biến động môi trường và xã hội

Các vấn đề về môi trường và xã hội cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu người tiêu dùng và nguồn cung ứng như dịch bệnh, thời tiết,… Có thể lấy ví dụ về dịch bệnh Covid, nếu không đánh giá được và đề phòng mức độ bùng phát của dịch, doanh nghiệp không nên mạo hiểm đầu tư vào việc mua hàng số lượng lớn, vì có thể họ sẽ phải đối mặt với rủi ro hàng tồn kho cao, hàng hoá không thể bán ra nếu có trường hợp xấu xảy ra như giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, hạn chế vận chuyển nhiều mặt hàng,…

  • Covid – 19 ảnh hưởng như thế nào đến việc mua hàng số lượng lớn

Sự bùng nổ của đại dịch Covid – 19, gây ra sự đứt quãng chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của doanh nghiệp. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, chiến lược Buy in Bulk – mua hàng số lượng lớn không nên được áp dụng vì một số nguyên do:

  • Nhu tiêu dùng cầu giảm: Covid khiến nhu cầu người tiêu dùng giảm mạnh do đặt sự ưu tiên nhiều hơn đối với những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Nên việc mua hàng số lượng lớn còn phụ thuộc vào loại hàng hoá mà doanh nghiệp đang sản xuất
  • Thiếu hụt tài xế: Dịch bệnh phức tạp dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá do lệnh giãn cách của nhà nước và tâm lý lo sợ của người lao động. 
  • Sự chậm trễ trong việc vận chuyển: Lệnh cấm cửa, và kiểm soát đi lại nghiêm ngặt, siết chặt thời gian lưu thông khiến quá trình vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn, thời gian giao hàng bị kéo dài. 

THAM GIA: GROUP CỘNG ĐỒNG LOGISTICS VÀ SUPPLY CHAIN VIỆT NAM

Khi nhu cầu đối với nhiều mặt hàng giảm, việc dự trữ nhiều hàng hoá là điều vô nghĩa. Song, với tình trạng thiếu hụt tài xế và sự kéo dài thời gian giao hàng có thể ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Không những thế, việc sức mua tăng đột ngột đối với một số mặt hàng gia đình như sữa tắm, khăn giấy, kem đánh răng,… sẽ tạo ra sự nhầm tưởng trong việc đánh giá nhu cầu. Vì khi đã dự trữ quá nhiều, họ cần một khoảng thời gian khá dài để tiếp tục mua sắm. Vì thế, việc mua hàng số lượng lớn chỉ làm tăng thêm áp lực cho chuỗi cung ứng. 

Tạm kết:

Buy in Bulk – mua hàng số lượng lớn mang lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để áp dụng chiến lược mua hàng này, doanh nghiệp cần đánh giá lại chuỗi cung ứng của mình, bao gồm loại hàng hóa sản xuất, chiến lược sắp tới của công ty, sức chứa của kho hàng,… Ngoài việc tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp cần xác định những mục tiêu khác dẫn đến quyết định mua hàng số lượng lớn là gì. Nếu không, việc mua hàng số lượng lớn sẽ là con dao 2 lưỡi gây ra nhiều bất lợi cho chuỗi cung ứng.

Xây dựng tư duy hệ thống bằng việc trải nghiệm mô hình giả lập Chuỗi cung ứng (The Fresh Connection) thông qua Chương trình Đào tạo Supply Chain Executive

Hội thảo ASCC 23: Supply Chain Competency Frameworks 

Strategize Meta Competencies for Your Career.

Learn more about us!!!