Supply Chain Management Planning

Cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng cần chú trọng 3 yếu tố chính

3 yếu tố chính trong chiến lược cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng về cơ bản là một tổng thể được tạo nên từ rất nhiều mắt xích kết nối với nhau. Để đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả thì sự kết nối liền mạch giữa các mắt xích là yếu tố rất quan trọng. Với những thay đổi không thể lường trước của thị trường hiện nay, cùng với các biến động của xã hội đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận hành và quản lý chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng của mình, thay đổi để thích ứng với các thay đổi của thị trường, điều này gây nên sự phức tạp trong chuỗi cung ứng hiện đại.

Chính vì thế, các doanh nghiệp hiện nay đã và đang hướng đến việc cải tiến, nâng cao hiệu quả cho bằng cách tìm đến những giải pháp tinh gọn trong toàn bộ hoạt động trong và ngoài chuỗi cung ứng. Để đạt được hiệu quả tinh gọn tối ưu nhất, doanh nghiệp cần phải tập trung vào thúc đẩy 3 yếu tố chính bao gồm: Văn hóa; Năng lực và Hệ thống. Cùng VILAS tìm hiểu rõ hơn về 3 yếu tố này qua bài viết dưới đây nhé!

3 yếu tố chính trong chiến lược cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng:

  • Văn hóa:

Văn hóa là yếu tố quan trọng đầu tiên và cũng được xem là yếu tố khó thay đổi nhất trong một doanh nghiệp. Để thực hiện được các bước tiếp theo trong quy trình cải tiến, doanh nghiệp cần tập trung thay đổi suy nghĩ và tư duy cho toàn bộ chuỗi cung ứng, từ đó chuyển hóa thành hành động thực tiễn, hướng đến việc cải thiện hiệu quả chung cho toàn doanh nghiệp.

Để văn hóa cải tiến thấm sâu vào từng huyết mạch của một chuỗi cung ứng, các nhà lãnh đạo cần cho thấy được sự cấp thiết của việc thay đổi và cải tiến là gì, nếu không hành động doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những rủi ro gì, và những lợi ích mà mỗi cá nhân sẽ đạt được từ hiệu quả chung của doanh nghiệp ra sao?

Thực hiện hiệu quả việc ứng dụng tư duy cải tiến là một quá trình dài hạn, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiến hành từ những điều nhỏ nhất.

Tam giác Learn – Do – Teach 

Thực hiện khởi đầu theo mô hình tam giác Learn – Do – Teach: học hỏi, thực hành, và chia sẻ. Để thực hiện được sự cải tiến đồng nghĩa với việc doanh mỗi cá nhân đều phải trau dồi những kiến thức và kỹ năng mới, liên tục nâng cao giá trị của bản thân. Sau đó vận dụng những kiến thức đã học ứng dụng vào quy trình làm việc. Không những thế, mỗi cá nhân góp phần chia sẻ và lan tỏa những giá trị đó đến với các nhân sự khác trong toàn doanh nghiệp. Những nhân sự lâu năm có trách nhiệm đào tạo và truyền tải kinh nghiệm đến các nhân sự trẻ. Ngược lại, những kiến thức và suy nghĩ sáng tạo, mới mẻ từ các nhân sự trẻ cũng vô cùng giá trị, cần được lắng nghe và tiếp nhận. 

Tinh thần làm việc nhóm (Teamwork)

Tiếp theo là cần nâng cao tinh thần tập thể, một tổ chức không thể thành công nếu không có sự kết nối, đoàn kết thực hiện từ các cá nhân trong cùng một nhóm. Sức mạnh của một tập thể sẽ tạo ra nhiều ý tưởng và góc nhìn mới, đóng góp vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Vai trò và Trách nhiệm (Roles & Responsibilities)

Một tổ chức thành công khi các cá nhân có thể hiểu được vai trò và giá trị của mình trong tổ chức là gì, luôn có trách nhiệm cho việc mà mình đã làm dù kết quả là xấu hay tốt. Hơn hết, cá nhân trong tổ chức cần phải hiểu rằng khi vai trò càng cao, đồng nghĩa với việc trách nhiệm sẽ càng lớn và cần được đầu tư, trau dồi để hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của chính mình, góp phần tạo nên thành công chung của cả tổ chức. 

  • Năng lực (Competency)

Sự cải tiến luôn song hành với việc nâng cao năng lực của cả cá nhân và tập thể. Doanh nghiệp cần phải tạo mọi điều kiện để các nhân sự được học tập và trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng và sự hiểu biết của mình. Một trong những cách có thể áp dụng là doanh nghiệp có thể triển khai các buổi hội thảo về các chuyên đề theo định kỳ hoặc đầu tư các khóa học bồi dưỡng kiến thức cho nhân sự. Quan trọng hơn hết vẫn là tinh thần học hỏi và chia sẻ để cùng nhau nâng cao năng lực của bản thân và tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.

THAM GIA: CỘNG ĐỒNG LOGISTICS VÀ SUPPLY CHAIN VIỆT NAM

Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao hiệu quả, doanh nghiệp luôn phải tiến hành phân tích các dữ liệu để xác định được đâu là các yếu tố tạo ra nhiều giá trị, đâu là yếu tố không mang lại giá trị, cần được cải thiện hoặc đào thải. Một trong những công cụ thường được các doanh nghiệp ứng dụng có thể kể đến đó là mô hình Value Stream Mapping (Bản đồ chuỗi giá trị) – công cụ giúp doanh nghiệp nhìn được bao quát trạng thái hiện tại của tất cả quy trình, liên quan đến dòng nguyên liệu và thông tin cần thiết để đưa một sản phẩm từ đơn đặt hàng đến khi giao hàng, nhằm xác định và loại bỏ các lãng phí. Từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động thiết kế các quy trình cải tiến và hiệu quả hơn.

  • Hệ thống (System)

Yếu tố cuối cùng tạo nên sự thành công của một tổ chức là hệ thống quản lý và vận hành. Để thay đổi và phát triển một hệ thống, doanh nghiệp cần cải thiện 3 yếu tố sau:

Quy trình (Process)

Trước hết doanh nghiệp cần xác định những thiếu sót và lãng phí trong từng quy trình tại doanh nghiệp. Không có quy trình nào là hoàn hảo nhất, nên doanh nghiệp cần giữ tư duy cải tiến liên tục, các quy trình luôn cần được hoàn thiện theo từng ngày, từng tháng, từng năm.

Các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được thể hiện như thế nào qua hoạt động của chuỗi cung ứng? Tham khảo thêm tại Link

Tự động hóa (Digitalization)

Bên cạnh đó, để đáp ứng được sự biến đổi và yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các doanh nghiệp đã và đang hướng đến xây dựng một hệ thống tự động hóa. Mục đích là để đơn giản hóa các quy trình, dễ dàng kết nối và quản lý các nguồn thông tin. Từ đó dành nhiều thời gian cho việc nghiên nghiên cứu và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp.

So sánh – học hỏi – ứng dụng (BenchMarking)

Một trong những cách tốt nhất giúp cải thiện hiệu quả cho toàn chuỗi cung ứng đó là doanh nghiệp phải không ngừng tự đánh giá khả năng và hiệu quả của mình so với những doanh nghiệp khác trên thị trường. Để từ đó thấy được đâu là là yếu tố thiếu sót và cần được cải thiện hoặc có thể học hỏi để ứng dụng và nâng cao hiệu suất cho doanh nghiệp của mình.

Tạm kết:

Không  có chuỗi cung ứng nào là hoàn hảo nhất. Tất cả các chuỗi giá trị dù lớn hay nhỏ đều cần sự cải tiến không ngừng nghỉ để luôn đáp ứng với sự thay đổi của thị trường. Để thay đổi một chuỗi cung ứng theo hướng tích cực, trước hết doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và văn hóa chung của một tập thể, không ngừng nâng cao năng lực của chuỗi và cuối cùng là xây dựng hệ thống cải tiến bền vững. Hiểu rõ và xây dựng được ba trụ cột quan trọng này, việc nâng cao chất lượng và giá trị cho chuỗi cung ứng không còn quá khó khăn đối với các doanh nghiệp. 

Tham khảo Chương trình đào tạo: Quản trị Điều hành Chuỗi cung ứng – 

FIATA Higher Diploma in Suppply Chain Mangement