Quản trị chuỗi cung ứng (Supply Chain Management) hiệu quả là quản lý các hoạt động chuỗi cung ứng để tối đa hóa giá trị khách hàng và đạt được một lợi thế cạnh tranh bền vững. Hoạt động chuỗi cung ứng bao gồm từ phát triển sản phẩm, tìm nguồn cung ứng, sản xuất và dịch vụ logistics cũng như quản lý dòng thông tin cần thiết. Vì phải quản lý một lượng công việc như vậy nên việc xảy ra rủi ro là điều hiển nhiên. Do đó việc quản trị rủi ro cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
1. Quản trị rủi ro là gì và tại sao ta phải cần nó?
Quản trị rủi ro là quá trình xác định, phân tích và xử lý các yếu tố rủi ro đã hoặc có thể sẽ xảy với doanh nghiệp. Quản trị rủi ro phù hợp hơn với nghĩa kiểm soát các rủi ro trong các sự kiện tương lai, chủ động đề phòng hơn là ứng phó.
Các tai nạn rủi ro như mất cắp hàng hóa, nhân viên bị chấn thương trong quá trình làm việc, xưởng sản xuất mất điện do thời tiết sấm chớp,… Vậy nếu gặp trường hợp như trên thì doanh nghiệp sẽ đối phó như thế nào? Phòng ban nào sẽ đứng ra và có thể giải quyết được hậu quả của nó? Không những thế, còn có những rủi ro tiềm ẩn đang chờ đợi có thể xảy ra trong tương lai, đây là một điều hết sức nguy hại nếu doanh nghiệp không có các nhà quản trị rủi ro giúp họ có thể tránh hoặc hạn chế được các hậu quả có thể xảy ra.
2. Mục đích của việc quản trị rủi ro
Xác định những rủi ro có thể xảy ra – bao gồm việc xác định và đo lường các rủi ro do tai nạn mất mát thông qua kiểm tra, rà soát các hợp đồng, tổng hợp các khiếu nại và xem xét các rủi ro trong quá khứ để tìm ra các lỗ hỏng.
Giảm thiểu rủi ro – bao gồm việc giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những rủi ro.
Cung cấp cơ sở hợp lý cho việc đưa ra quyết định giải quyết rủi ro.
Lên kế hoạch quản trị rủi ro bao gồm việc ước tính tác động của các rủi ro khác nhau và phác thảo các phản ứng có thể nếu nguy cơ xảy ra.
Ngoài ra, quản trị rủi ro sẽ đảm bảo giải quyết ưu tiên những rủi ro có nguy cơ cao và đảm bảo việc giải quyết rủi ro sẽ mất một mức chi phí thấp nhưng hiệu quả mang lại là cao nhất.
Tóm lại, đánh giá và quản trị rủi ro là vũ khí tốt nhất để chống lại những thảm họa đối với dự án, kế hoạch, doanh nghiệp của bạn. Hơn nữa việc bạn cần là phải phát triển chiến lược lâu dài để phòng chống chúng, điều này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
3. Làm cách nào để nhận biết được rủi ro?
Đầu tiên chúng ta cần phải nhìn vào các khía cạnh có thể dẫn đến rủi ro. Có rất nhiều nguồn và danh sách sau đây được liệt kê không có nghĩa sẽ bao gồm tất cả các rủi ro có thể xảy đến. Nhưng việc tham khảo danh sách một số nguyên nhân sau đây có thể giúp bạn một phần nào xác định được các rủi ro:
Các yếu tố chủ quan
- Quá nhiều dự án đang xảy ra trong một thời điểm
- Cam kết hoàn thành tiến độ không khả thi (Không đủ thời gian)
- Không có sự đầu tư kỹ lưỡng vào giai đoạn lập kế hoạch
- Không có người chịu trách nhiệm cho toàn bộ dự án
- Kiểm soát kém khi có sự thay đổi trong thiết kế
- Vấn đề với các thành viên trong nhóm
- Không lường trước được sự thay đổi của khách hàng
- Giao nhiệm vụ cho nhầm người, không phù hợp với dự án
- Không tích hợp việc lập kế hoạch và kiểm soát
- Việc lập kế hoạch không thực tế
- Kinh nghiệm tổ chức dự án kém
Các yếu tố khách quan
- Thảm họa thiên nhiên
- Thị trường biến động
- Xã hội
- Môi trường
- Sự lạm phát
- Biến động tỷ giá ngoại tệ
- Công nghệ thay đổi
- Rủi ro xuất phát từ các chuỗi công việc có liên quan
- Vi phạm bản quyền
- Giấy phép không hợp lệ
- Bị kiện vì vi phạm hợp đồng
- Tranh tụng do pháp luật sai lầm
4. Quá trình phân tích rủi ro
Quá trình phân tích rủi ro bao gồm các giai đoạn như sau:
- Xác định rủi ro. Bước này yêu cầu phải rà soát danh mục các nguy cơ có thể xảy ra rủi ro bằng kiến thức và kinh nghiệm của đội quản trị rủi ro. Sau đó sử dụng công cụ đánh giá phân loại và xếp hạng mức độ rủi ro. Việc xếp hạng mức độ rủi ro giúp quản lý được những rủi ro mà có tác động cao và các tác động có xác suất xảy ra cao.
- Đánh giá rủi ro. Trước khi cố gắng làm sao để kiểm soát tốt được rủi ro, thì cần phải xác định nguyên nhân gốc rễ sâu xa của những rủi ro đã được chỉ ra.
- Đối phó với rủi ro. Bây giờ các nhà quản trị rủi ro bắt đầu đưa ra các biện pháp có thể giảm hoặc tốt hơn hết là ngăn không cho rủi ro xảy ra. Câu hỏi được đặt ra lúc này là: Những gì chúng ta có thể làm để giảm khả năng rủi ro này xảy ra? Có thể làm gì để giải quyết hậu quả khi rủi ro xảy ra?
- Phát triển kế hoạch dự phòng hoặc các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong tương lai. Từ những giai đoạn trên các nhà quản trị sẽ tổng kết và giải quyết nguyên nhân đồng thời phân tích lại cách giải quyết ra đưa ra các kế hoạch trong tương lai nhằm giải quyết tốt hơn.
Tổng hợp và biên soạn Nguyễn Xuân Hòa