Chuỗi cung ứng (Supply Chain) là quá trình theo dõi hàng hóa thông qua việc thống kê và điều khiển từ khâu cung cấp hàng, bổ sung nguyên vật liệu, đến khâu bán lẻ, hay nói cách khác là quá trình điều hành và quản lý sự lưu thông hàng hóa. Xu hướng tiến tới việc giao hàng đúng lúc, kết hợp với các khuyến mãi hấp dẫn để tiếp cận các nguồn cung ứng tốt nhất khiến cho chuỗi cung ứng nào cũng chứa đầy rủi ro. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất trong lĩnh vực này là rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.
Từ những bài học đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong nền sản xuất – thương mại toàn cầu hóa hiện nay, khi các công ty đẩy mạnh hoạt động ở những lãnh thổ mới để tìm kiếm chi phí thấp hơn, chuỗi cung ứng được phát triển dài hơn và phức tạp hơn. Việc vận dụng tốt chuỗi cung ứng đã giúp cho các tập đoàn như Dell, Wal-Mart, Coca-cola… trở nên vượt trội hơn các công ty khác trong cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, cũng có không ít bài học về việc các chuỗi cung ứng quá phụ thuộc đã suy yếu và bị phá vỡ trước thảm họa thiên nhiên. Trận lũ lụt lịch sử ở Thái Lan vừa qua đã gây thiệt hại cho nhiều đại gia hàng đầu thế giới trong ngành chế tạo là một ví dụ minh họa sinh động.
Nhiều nhà sản xuất từ Nhật, Mỹ và những nước khác thường tập trung xây dựng một vài trung tâm chế tạo quan trọng trên thế giới. Thái Lan đã nổi lên như một trong những điểm đến hấp dẫn cho xu hướng này từ những năm 1980. Nhiều công ty đa quốc gia đã chọn Thái Lan do bị hấp dẫn bởi những chính sách đầu tư cho phép công ty nước ngoài sở hữu đất để xây nhà máy, cùng với cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Khi các ngành công nghiệp phụ trợ nội địa được mở rộng, nhiều nhà máy sản xuất ổ cứng, thiết bị bán dẫn và chế biến thực phẩm đã mọc lên ở đây. Thái Lan, một đất nước có diện tích trung bình, với 67 triệu dân, đã trở nên rất quan trọng với chuỗi cung ứng trong sản xuất toàn cầu của nhiều công ty lớn như Toyota Motor Corp., Ford Motor Co., Michelin…
Khi lũ lụt kéo dài ở Thái Lan, quá trình sản xuất, vận hành của các công ty này trên toàn cầu bị đình trệ đáng kể. Đó là chưa nói đến nhiều công ty bị ảnh hưởng khác. Các nhà máy của Western Digital Corp. tại Thái Lan đã đóng cửa do lũ lụt, trong khi Seagate Technology PLC hay nhà sản xuất máy tính xách tay Đài Loan CompalElectronics Inc thi e ngại sẽ sớm đối mặt với tình trạng thiếu linh kiện. Toshiba đã phải chuyển sang sản xuất ổ cứng tại Philippines sau khi buộc phải đóng cửa 9 nhà máy ở Thái Lan. Mazda Motor thì xem xét nhập khẩu linh kiện từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc và Nhật Bản để phục hồi sản xuất cho các nhà máy ở Thái. Tập đoàn Nidec (Nhật), chuyên sản xuất linh kiện cho các loại ổ cứng, cũng tăng sản lượng ở các nhà máy ở Philipines và Trung Quốc.
Thực tế, động đất và sóng thần ở Nhật hồi tháng 3 năm ngoái đã tác động đến tốc độ tăng trưởng quý 2 của nhiều quốc gia trên thế giới do việc sản xuất các linh kiện điện tử và các hợp chất hóa học quan trọng bị đình đốn. Năm trước, núi lửa phun trào ở Iceland cũng làm gián đoạn vận chuyển hàng không và du lịch trong khu vực Đại Tây Dương. Những sự kiện đó đã làm nhiều nhà sản xuất nâng cao nhận thức về nguy cơ của những chuỗi cung ứng theo diện hẹp.
Đến rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng ở Việt Nam
Phát triển chuỗi cung ứng được đánh giá có thể mang lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp Việt Nam, nhưng đến nay số lượng công ty Việt Nam trong ngành hỗ trợ có đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng còn quá ít. Theo TS. Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), hiện nay chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng cho công nghiệp chế tạo ở Việt Nam . Trong số đó, không ít doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận các chuỗi cung ứng hiện hữu của các công ty lớn chuyên về lắp ráp, chế tạo. Lĩnh vực này đang bị chiếm lĩnh chủ yếu từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh.
Đối với ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc, chuỗi cung ứng dệt may cũng bị “đứt gãy”. Theo số liệu tại buổi hội thảo hôm 12.4 vừa qua do Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (EU-Việt Nam Mutrap III) tài trợ, trong số 3.700 doanh nghiệp của ngành này, có 70% là doanh nghiệp may, trong khi Việt Nam dệt, sợi, nhuộm chỉ chiếm lần lượt 17%, 6% và 4%. Cụ thể, Việt Nam phải nhập khẩu bông để đáp ứng 99% nhu cầu bông trong nước và nhập 70% xơ nhân tạo. Nhưng 65% sợi sản xuất ra phải xuất khẩu vì Việt Nam yếu trong khâu dệt, nhuộm. Rồi sau đó Việt Nam nhập vải về để cắt, may. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 5,2 tỉ mét vải để đáp ứng nhu cầu 6 tỉ mét.
Ngành da giày Việt Nam cũng không thoát khỏi tình trạng này. Theo bà Nguyễn Thị Tòng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam, hiện Việt Nam đã sản xuất được đế giày và một số nguyên phụ liệu trong ngành da giày. Tuy nhiên, vì doanh nghiệp giày Việt Nam chủ yếu làm gia công, nên nếu khách hàng muốn dùng nguyên phụ liệu của một công ty ở nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nhập về.
Ngành nông nghiệp cũng rơi vào tình hình tương tự. Tác giả Đinh Thế Phong, công tác tại Bộ Khoa học – Công nghệ, đã từng nhận xét khá xác đáng: “Trước đây, các ngành sản xuất – chế biến Việt Nam bị chặn ở đầu ra do không bán, xuất khẩu được sản phẩm, chủ yếu do giá thành quá cao so với thị trường, ví dụ trong công nghiệp ôtô, điện tử… Gần đây, các ngành sản xuất – chế biến Việt Nam lại bị chặn thêm ở đầu vào vì mua không được nguyên liệu trong nước, ví dụ chế biến thủy sản, rau hoa quả, hạt tiêu…”.
Không mua được nguyên vật liệu cho sản xuất có nghĩa khâu sản xuất không có mối liên kết với khâu nguyên vật liệu, tức là đã bị cắt đứt khỏi chuỗi cung ứng. Điều đó thể hiện mối liên kết lỏng lẻo giữa các bên tham gia. Chẳng hạn, thị trường phân bón thường xuyên có những bất ổn trong những giai đoạn cao điểm của vụ sản xuất. Sự liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng mặt hàng này còn chồng chéo nên chi phí đã bị đẩy lên khá nhiều trong khâu phân phối, dẫn tới giá bán sản phẩm đến tay nông dân cao bất hợp lý. Trong khi đó, các đầu mối Trung Quốc thu mua được nguyên liệu của nhà nông Việt dẫn đến một nghịch lý trong chuỗi cung ứng là nhà nông Việt lại liên kết chặt chẽ hơn với khâu sản xuất trong chuỗi cung ứng của họ.
Trong lĩnh vực chuỗi cung ứng đối với hàng hóa tiêu dùng, các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối vẫn chưa thực sự gắn kết với nhau và nếu có thì vẫn ở tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm. Tại buổi hội thảo “Kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng đối với một số mặt hàng thiết yếu”, được Bộ Công thương tổ chức mới đây tại TP.HCM, các đại biểu cho rằng, thị trường Việt Nam vẫn còn những diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro là do sự mất cân đối cung cầu cục bộ. Các tác động mang tính tâm lý này là do chuỗi cung ứng chưa được tổ chức tốt và sự liên kết giữa những chủ thể thiếu chặt chẽ, dễ bị tổn thương khi có diễn biến bất thường. Điều này thể hiện trong việc thương lái tự do dễ dàng thu gom nông sản để xuất khẩu sang các nước lân cận khi thị trường có hiện tượng giảm cung, bất ổn của giá khiến nhà nông không yên tâm sản xuất…
Cần kiểm soát rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng
Đối với phạm vi công ty, dĩ nhiên các nhà quản lý cần tìm ra cách quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng, cân nhắc về chiến lược đặt chuỗi cung ứng của mình như thế nào để kiểm soát rủi ro và đạt được trạng thái cân bằng về lợi nhuận tiềm năng cho các bên. Các giải pháp này bao gồm từ việc xác định chiến lược cơ bản về cung ứng cho thị trường đến việc quyết định các chiến thuật phù hợp. Mặt khác, các doanh nghiệp dù có tiềm lực về tài chính dồi dào tới đâu cũng khó tự mình xây dựng hoàn toàn riêng biệt một hệ thống chuỗi cung ứng, mà cần phải hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, bối cảnh để kiểm soát tốt các rủi ro đến từ đứt gãy chuỗi cung ứng chủ yếu đến từ các chính sách và vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam , cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý thị trường, tăng năng lực hậu cần, hải quan, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu… đều cần một sự chỉ đạo và quản lý nhất quán, sát sao và hiệu quả từ Nhà nước.
TS. Bùi Văn Danh