Quản lý danh mục (Category Management) và tìm nguồn cung ứng chiến lược (Strategic Sourcing) là hai trong số các cách tiếp cận phổ biến nhất trong chiến lược mua hàng. Cả hai cách tiếp cận đều nhằm mục đích nâng cao hiệu suất mua hàng, đồng thời xem xét các cơ hội mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp bằng cách nắm bắt tình hình thị trường cung ứng.
Category Management và Strategic Sourcing thường bị nhầm lẫn do sự tương đồng và sự chồng chéo về chức năng trong quy trình mua hàng và quản lý cung ứng. Ví dụ, việc xác định và phân tích các danh mục trong Category Management cũng có thể liên quan đến việc chọn lựa và đánh giá nhà cung cấp trong Strategic Sourcing.
Một số khía cạnh như việc tối ưu hóa chi phí, đảm bảo chất lượng, và quản lý rủi ro xuất hiện cả trong Category Management và Strategic Sourcing, khiến cho việc phân biệt chúng trở nên phức tạp. Song cả hai khái niệm đều liên quan đến việc quản lý tốt các yếu tố về cung ứng, từ việc chọn lựa nhà cung cấp đến việc đảm bảo hiệu suất tốt nhất cho hoạt động mua hàng,
Cần phân biệt rõ ràng giữa việc quản lý danh mục và việc chọn lựa nhà cung cấp, để đảm bảo quy trình mua hàng và cung ứng diễn ra một cách hiệu quả và đồng bộ.
Category Management (Quản lý danh mục)
Trong khi Category Management (Quản lý danh mục) được xem là một chiến lược từ đầu đến cuối thì Strategic Sourcing (Tìm nguồn cung ứng chiến lược) là một quy trình được thực hiện cho một sản phẩm riêng lẻ.
Category Management đề cập đến việc lập chiến lược quản lý các sản phẩm hay dịch vụ theo các nhóm danh mục duy nhất. Category Management yêu cầu các nhà quản lý phải hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và xu hướng của thị trường dựa trên quá trình phân tích liên tục, nhằm tối ưu hóa giá trị, chi phí, chất lượng và hướng đến sự đổi mới.
Chiến lược danh mục sau đó được thực hiện thông qua một loạt các hoạt động, như quản lý nhà cung cấp, lập kế hoạch nhu cầu và quản lý rủi ro,…Mục tiêu cuối cùng của quản lý danh mục là thúc đẩy giá trị và cải thiện kết quả kinh doanh bằng cách tận dụng quy mô và phạm vi của danh mục, thay vì các sản phẩm hoặc dịch vụ riêng lẻ.
Strategic Sourcing (Nguồn cung ứng chiến lược)
Strategic Sourcing tập trung vào việc tìm kiếm, chọn lựa và thiết lập mối quan hệ với nhà cung cấp để đảm bảo sự cung ứng ổn định và sản phẩm đáp ứng đúng mục tiêu của doanh nghiệp. Quá trình này liên quan đến việc phân tích và hiểu biết thị trường, xác định các nhà cung cấp tiềm năng, tiến hành đàm phán và phát triển hợp đồng.
Mục đích của việc tìm nguồn cung ứng chiến lược là giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro và cải thiện chất lượng cũng như hiệu suất mua hàng thông qua lựa chọn, hợp tác và quản lý nhà cung cấp hiệu quả.
Ưu điểm và nhược điểm của Category Management
Ưu điểm
Quản lý danh mục ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong mua hàng và không còn là một quy trình chỉ được sử dụng cho lĩnh vực bán lẻ. Dưới đây là một số lợi ích của việc triển khai quản lý danh mục trong chuỗi cung ứng:
- Cho phép các chuyên gia mua hàng tập trung thời gian vào việc phân tích thị trường nhằm tận dụng tối đa cơ hội tối ưu chi phí và tăng hiệu suất mua hàng;
- Giúp quản lý hiệu quả mạng lưới các nhà cung cấp nhằm đạt được những mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra;
- Nâng cao mối quan hệ với nhà cung cấp;
- Đạt được sự hiểu biết sâu sắc về cách mỗi danh mục đóng góp vào quá trình quản lý rủi ro thông qua phân tích thị trường;
- Nâng cao trải nghiệm của khách hàng vì tổ chức có thể tập trung vào một danh mục và xem xét các chương trình khuyến mãi cũng như đảm bảo tính sẵn có của sản phẩm.
Nhược điểm
Để quản lý danh mục thành công, việc quản lý danh mục phụ thuộc vào sự giao tiếp và cộng tác tốt với các nhà cung cấp, điều này đôi khi có thể gặp khó khăn. Dưới đây là một số thách thức bạn có thể gặp phải khi thực hiện quản lý danh mục:
- Category Management đòi hỏi đầu tư thời gian và cam kết từ tổ chức để triển khai một cách hiệu quả;
- Yêu cầu sự tham gia tích cực của nhiều chức năng và cá nhân khác nhau trong tổ chức;
- Việc tìm người có kinh nghiệm và kiến thức sâu về danh mục cụ thể có thể không dễ dàng.
Ưu và nhược điểm của Strategic Sourcing
Ưu điểm
Tìm nguồn cung ứng chiến lược (Strategic Sourcing) cho phép các nhà Mua hàng kết nối với các nhà cung cấp có năng lực nhất, mang lại cho doanh nghiệp lợi thế vượt trội so với đối thủ cạnh tranh. Một số lợi thế khi triển khai tìm nguồn cung ứng chiến lược cho tổ chức:
- Củng cố sự hiểu biết về các yêu cầu của doanh nghiệp;
- Giúp doanh nghiệp đạt được và duy trì lợi thế cạnh tranh;
- Thúc đẩy mua hàng bền vững;
- Duy trì mối quan hệ lâu dài với các bên liên quan nội bộ và nhà cung cấp;
- Tối ưu chi phí mua hàng;
- Thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp.
Nhược điểm
Tìm nguồn cung ứng chiến lược là một quá trình đòi hỏi phải đưa ra nhiều quyết định về giá trị lâu dài thay vì chỉ về giá thành của sản phẩm. Dưới đây là một số thách thức mà việc tìm nguồn cung ứng chiến lược có thể gây ra cho doanh nghiệp:
- Đòi hỏi nhiều nguồn lực như con người, thời gian và tài chính để thực hiện quá trình nghiên cứu thị trường, thảo luận, đàm phán với nhà cung cấp;
- Yêu cầu thời gian để thực hiện quy trình từ việc nghiên cứu thị trường, lựa chọn nhà cung cấp, đến việc thực hiện các thỏa thuận mới;
- Việc quyết định lựa chọn giữa nguồn cung toàn cầu và nội địa có thể phức tạp và đòi hỏi kiến thức chuyên môn.
Kết lại
Category Management tập trung vào việc quản lý và tối ưu hóa các danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể trong doanh nghiệp, trong khi Strategic Sourcing tập trung vào việc lựa chọn và thiết lập mối quan hệ với nhà cung cấp để đảm bảo cung ứng ổn định. Mặc dù cả hai khái niệm có mục tiêu chung là tối ưu hóa giá trị từ cung ứng, nhưng chúng có những phương pháp và trọng tâm khác nhau. Cần phân biệt rõ ràng giữa việc quản lý danh mục và việc chọn lựa nhà cung cấp, để đảm bảo quy trình mua hàng và cung ứng diễn ra một cách hiệu quả và đồng bộ.