Supply Chain

Chuỗi cung ứng bánh mì “cô Vy” hoạt động như thế nào?

Khái niệm chuỗi cung ứng chỉ vừa mới được đưa vào giảng dạy tại Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây, và nó được định nghĩa như sau: “Chuỗi cung ứng là một hệ thống các tổ chức, con người, hoạt động, thông tin và các nguồn lực liên quan tới việc di chuyển sản phẩm hay dịch vụ từ nhà cung cấp hay nhà sản xuất đến người tiêu dùng”.

Nếu chúng ta hiểu theo một cách đơn giản, supply chain chính là một chuỗi khép kín đi từ nguyên vật liệu đến sản phẩm cuối cùng giao đến cho người tiêu dùng.

Nói đến đây thì mình có suy nghĩ: cô Vy bán bánh mì đầu ngõ nhà mình có phải đang làm supply chain không? Câu trả lời là CHÍNH XÁC!! Nếu cô Vy bán đắt đến nỗi mỗi buổi về, cô chỉ đẩy một chiếc xe mà không còn ổ bánh mì nào thì có thể nói cô là một Supply Chain Manager xuất sắc nữa đấy.

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về kết luận của chúng mình thì hãy cùng VILAS phân tích kỹ hơn về chuỗi cung ứng bánh mì của “cô Vy” đầu ngõ nhà mình nhé!

Chuỗi cung ứng bánh mì “cô Vy” hoạt động như thế nào?

Lên việc lên kế hoạch cho Chuỗi cung ứng bánh mì

Nếu các bạn nghĩ cô Vy bán bánh mì thường bán theo ngẫu hứng thì hoàn toàn không đúng đâu nhé. Thường thì một xe bánh mì cơ bản sẽ bao gồm các loại nguyên liệu dùng ngay có thể kể đến như: bánh mì, pate, bơ, trứng, chả, thịt nguội, đồ chua, hành ngò, ớt. Ngoài ra còn có số ít các nguyên liệu có thể tích trữ lâu như: Nước tương, cá hộp, muối tiêu,…

Phân chia là vậy nhưng mỗi một nguyên liệu đều có thời hạn sử dụng khác nhau. Ví dụ pate có thể để lâu hơn bánh mì, nhưng không thể để lâu như chả lụa và thịt nguội

Nếu không có kế hoạch cụ thể thì hàng tá nguyên vật liệu đó sẽ bị thiếu hụt do cái này sẽ hết hạn sử dụng trước cái kia, dẫn đến 1 ổ bánh mì không hoàn hảo. Chưa kể đến một số xe bánh mì còn có thể bán kèm cả xôi và bánh bao, mà 2 món này này chỉ có thể sử dụng trong ngày nên việc lên kế hoạch là cực kỳ quan trọng.

Trong phần này có thể chúng ta sẽ phải sử dụng đến khái niệm Bill Of Materials (viết tắt là BOM). Ví dụ BOM một ổ bánh mì của cô Vy sẽ bao gồm:

  • 1 ổ bánh mì, 15g pate
  • 15g bơ, 5ml nước tương
  • 3 miếng chả (50g)
  • 5 miếng thịt (50g)
  • Vài cọng đồ chua, ớt & hành ngò (30g)

Từ BOM và thống kê trung bình số bánh mì bán ra trong 1 ngày, cô Vy có thể tính ra được số lượng nguyên liệu cụ thể phải mua trong ngày đó.

Tuy nhiên, đa phần cô sẽ không mua theo 1 ngày đâu, cô sẽ mua cho từ 3 – 4 ngày để mua được giá sỉ (ở đây chúng ta gọi là hiệu quả kinh tế theo quy mô), vì vậy cô sẽ tính thêm một vài bước nhỏ nữa để ra được một danh sách mua trong từng thời điểm.

Thật ra, để mua được một lượng nguyên liệu đúng với nhu cầu thì cô Vy cũng mua hụt vài đợt rồi rút kinh nghiệm, nhưng cơ bản là đều chung 1 ý tưởng vận hành.

Chuỗi cung ứng bánh mì “cô Vy” hoạt động như thế nào?

Quản lý nguồn cung của cô Vy bánh mì

Có một thứ mà mình rất phục các cô bán bánh mì đó chính là kỹ năng đàm phán và thương lượng, cái mà dân gian chúng ta thường gọi là “trả giá”. Đây hầu như là kỹ năng mà các cô nội trợ đều đạt đến đỉnh cao. Với kỹ năng thuyết phục của mình thì các cô có thể mua các nguyên vật liệu với giá tốt nhất một cách dễ dàng.

Chắc chúng ta đều biết trong bộ phận Mua Hàng, việc phát triển mối quan hệ với nhà cung ứng là một yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể đảm bảo được nguồn cung ổn định phục vụ cho việc sản xuất và kinh doanh.

Chuỗi cung ứng bánh mì “cô Vy” hoạt động như thế nào?

Trong khi các doanh nghiệp đều rất chật vật trong việc này thì cô Vy bán bánh mì làm điều này rất đơn giản. Chỉ cần một vài câu nói hỏi thăm hoặc một vài món quà nho nhỏ cho các nhà cung cấp, cô Vy đã tạo lập được mối quan hệ tốt như bạn bè với nhau rồi. Và chính những mối quan hệ này đã tạo nên những điều kiện không thể tốt hơn khi mua hàng như là:

  • Cho thiếu tiền hàng
  • Giao hàng tận nơi mọi lúc nếu có thể
  • Tặng thêm các nguyên liệu nếu còn thừa,…

Điều này giúp giảm áp lực cho việc lên kế hoạch của cô Vy rất nhiều.

Chuỗi cung ứng bánh mì “cô Vy” hoạt động như thế nào?


Tham khảo: Back Order và Backlog trong quản trị Chuỗi cung ứng


Cùng phân tích về cách tạo ra một ổ bánh mì

Hầu như ai học Supply Chain cũng sẽ biết được các xe bánh mì đang sản xuất theo môi trường “Assemble to Order” – nghĩa là: tất cả cả bán thành phẩm đều được chuẩn bị sẵn, và khi có đơn đặt hàng thì chỉ việc ráp chúng lại với nhau thành một sản phẩm cuối cùng.

Lợi ích của môi trường này chính là nó đáp ứng được sự đa dạng nhu cầu của khách hàng (responsiveness) cũng như đạt được hiệu quả ổn định (efficiency) trong supply chain. Mô hình này đa phần được ứng dụng cho ngành điện tử và công nghiệp ô tô, nơi mà các modules muốn lắp ráp và hoạt động được với nhau thì cần bộ phận nghiên cứu và phát triển tạo ra những bán thành phẩm thích ứng và phù hợp.

Còn đối với bánh mì thì đơn giản là chúng đã ngon sẵn khi phối hợp để ăn cùng với nhau. Khách hàng của cô Vy cũng có thể yêu cầu một ổ bánh mì theo sở thích của mình bằng việc thay đổi các thành phần như: Bánh mì nhiều chả không hành, bánh mì ít trứng nhiều pate, bánh mì không ớt và không đồ chua,..

Và điều thú vị là ở giai đoạn này, chuỗi cung ứng bánh mì của cô Vy cũng đang chuyển đổi từ ATO thành MTO (Make-To-Order) đấy!

Chuỗi cung ứng của “cô Vy bánh mì” hoạt động như thế nào?

Giao hàng của bánh mì “thương hiệu” cô Vy

Nói đến phần deliver thì không cần phải bàn, bánh mì được giao hàng tận nơi trong địa bàn của cô Vy, thời gian giao nhanh hơn cả Amazon với chính sách giao hàng miễn phí với tỷ lệ thành công là 96.69%.

Người chịu trách nhiệm mảng này ắt hẳn phải là một “chuyên gia” về Logistics, và người đó không ai khác đó chính là chồng cô.

Nói đùa vậy, chứ đối với các đơn hàng lớn như các đơn hàng đặt cho các em học sinh ở trường khi có các hoạt động đoàn hội thì bất kể thời gian và địa điểm thì bánh mì vẫn được giao đúng giờ và điều tất nhiên là freeship 100%. Từ đó ta cũng có thể thấy được sự linh hoạt trong giao hàng của chuỗi cung ứng bánh mì này.

Chuỗi cung ứng của “cô Vy bánh mì” hoạt động như thế nào?

Kết luận

Sau khi phân tích 4 hoạt động Plan – Source – Make – Deliver của chuỗi cung ứng bánh mì cô Vy, bạn cũng có thể dễ dàng nhận thấy có vô số chuỗi cung ứng đơn giản xung quanh cuộc sống hằng ngày.

Từ cô Vy bán bánh mì, chúng ta có thể thấy những gì cô đang làm đều rất tự nhiên nhưng nó lại là những kiến thức supply chain cơ bản mà chúng ta đang học. Cô đã dành thời gian dài để thử nghiệm và có được những thành công nhất định.

Vậy tại sao chúng ta lại không học hỏi và quan sát những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống để có cái nhìn bao quát và thực tế hơn?

Theo dõi kênh youtube của VILAS tại đây.

Chương trình đào tạo Chuyên viên Chuỗi cung ứng 

Supply Chain Executive

“Thiết kế lộ trình phát triển trên bản đồ sự nghiệp chuỗi cung ứng”

Xây dựng tư duy hệ thống kết hợp trải nghiệm mô hình”

 

 

Data Analytics Khai phá sức mạnh của dữ liệu trong lĩnh vực Chuỗi cung ứng