Supply Chain Production

Cleaner Production – Xu thế tất yếu trong sản xuất

Kinh tế ngày càng phát triển khiến nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ theo đó cũng không ngừng gia tăng. Điều này chính là một trong những yếu tố kích thích hoạt động sản xuất tại các quốc gia ngày càng sôi động. Tuy nhiên, đi đôi với sự mở rộng trong sản xuất là những thách thức lớn liên quan đến môi trường và sự cạn kiệt dần nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cleaner Production (hay còn gọi là Sản xuất sạch hơn), cũng vì thế, đã được ra đời như một biện pháp thực tiễn để giải quyết vấn đề này.

Bài viết hôm nay của VILAS sẽ có nội dung xoay quanh Sản Xuất Sạch Hơn (SXSH) với những luận điểm chính sau: giới thiệu định nghĩa SXSH, các lợi ích chung đạt được khi áp dụng và thực tế vận dụng phương pháp này tại các Doanh nghiệp Việt Nam.

1. Định nghĩa SXSH

Theo định nghĩa của UNEP (Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc), 1990, SXSH là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Mục tiêu của SXSH là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách hiệu quả nhất. Điều này có nghĩa là thay vì bị thải bỏ sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm. Khác với suy nghĩ truyền thống về môi trường là tập trung vào vấn đề phải làm gì để xử lý các chất thải và rác thải đã phát sinh. SXSH là tiếp cận chủ động theo hướng dự đoán và phòng ngừa, theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

2. Các lợi ích chung của SXSH

SXSH được xem là một trong những biện pháp giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng và nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng tuần hoàn tái sử dụng, giảm thải gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, vị trí cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng tầm, các lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội trở nên hài hòa

3. Doanh nghiệp Việt Nam đã vận dụng SXSH như thế nào?

Nhận thức được lợi ích của việc làm này, cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, đang từng bước tái cấu trúc sản xuất, đầu tư theo chiều sâu để SXSH và bền vững hơn.

Trong ngành Công nghiệp, cụ thể là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, có thể nhắc đến Vicostone, công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất đá thạch anh tại khu vực châu Á. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, Vicostone còn xác định phát triển bền vững là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua việc đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng theo xu hướng xanh và sạch.

Cụ thể, tại các nhà máy sản xuất, Vicostone đã bố trí hệ thống quạt hút bụi trải đều trong nhà xưởng. Toàn bộ bụi phát sinh trong công đoạn sản xuất sẽ được thu gom qua hệ thống hút bụi và hệ thống lọc.

Nhờ vậy, nguồn rác thải bụi đã được ngăn chặn tận gốc và không gây nên bất cứ ô nhiễm nào ra môi trường xung quanh.

Không nằm ngoài xu thế sản xuất xanh, sản xuất sạch, một trong những khu vực với hàng trăm nhà máy gạch ngói, tỉnh Quảng Ninh, đã và đang đặt những nền móng vững chắc áp dụng phương thức này. Nếu vẫn sử dụng công nghệ cũ, những lò nung nghìn độ sẽ thường xuyên phát thải một lượng lớn khí cacbonic vào môi trường.

Thế nhưng, các doanh nghiệp sản xuất gạch ngói tại Quảng Ninh đã đổi mới bằng cách áp dụng giải pháp thu hồi, tận dụng nhiệt từ các lò nung. Sau đó, lượng nhiệt này được quay vòng sử dụng cho công đoạn sấy các sản phẩm khác. Với công nghệ này, nhiệt độ trong nhà máy, ngay cả trong những ngày nắng nóng cũng không quá cao, nhiệt lượng phát thải qua ống khói được giảm đi rõ rệt.

Môi trường sản xuất và môi trường sống xung quanh cũng vì thế mà không bị ảnh hưởng nặng nề nhờ tập trung sản xuất đầu tư công nghệ cao.


Tham khảo: Bao bì hàng hóa – Chức năng, phân loại và cách đóng gói


Không riêng các ngành công nghiệp, trong nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp hệ thống sản xuất sạch. Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoàng Đăng, thuộc Công ty TNHH chế biến nông sản Hoàng Đăng, là một ví dụ điển hình. Xác định bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh là yếu tố sống còn của nhà máy, công ty Hoàng Đăng đã đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín và xử lý nước thải với công nghệ tối tân từ Châu Âu.

Theo đó, nước thải đã qua sử dụng, sau khi đi qua hệ thống lọc, sẽ được xử lý để đạt cột A, QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau đó, lại được đem đi tái sử dụng trong sản xuất. Bên cạnh đó, bã sắn còn được nhà máy tận dụng triệt để khi linh hoạt chuyển sang dây chuyền sản xuất khác để chế biến thành thức ăn chăn nuôi hoặc bán cho bà con nông dân làm phân bón.

Bên cạnh đó, ngành dịch vụ, tuy được xem là không có hoạt động sản xuất vật lý vì các sản phẩm đầu ra, nhưng các Doanh nghiệp trong ngành vẫn không ngừng sáng tạo và có những cải tiến hợp thời, bắt kịp xu thế.

Nhằm khẳng định vị thế của mình tại Việt Nam nói riêng và thị trường Đông Nam Á nói chung, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã xây dựng Tòa nhà Lotte Center Hà Nội với công nghệ xây dựng hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về công trình kiến trúc xanh, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Như các tòa nhà trung tâm thương mại khác, chiếu sáng và điều hòa là hai lĩnh vực tiêu tốn năng lượng nhất nên tại Lotte, vì thế, các giải pháp hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng, cũng được tập đoàn chú trọng vào hai lĩnh vực này. Tòa nhà sử dụng hệ thống cửa kính có hệ số dẫn nhiệt thấp để giảm bức xạ mặt trời.

Ngoài ra, đối với hệ thống điều hòa không khí, công nghệ biến tần được áp dụng nhằm phân bổ hiệu quả nguồn năng lượng, hạn chế tuyệt đối tình trạng năng lượng bị lãng phí tại các khu vực không có hoạt động. Bên cạnh đó, tòa nhà cũng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để chủ động một phần nguồn năng lượng tiêu thụ.

Có thể thấy rằng, SXSH – với mục tiêu “tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng”, đã được các Doanh nghiệp Việt ứng dụng một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo.

VILAS hy vọng rằng, thông qua nội dung bài viết và đặc biệt là các ví dụ thực tiễn, Doanh nghiệp bạn sẽ tìm được lối đi riêng trong sản xuất mà vẫn đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Silva, F. and Gouveia, R., 2020. Cleaner Production. Springer Nature Switzerland.
(2) Báo Công Thương. 2018. Trung tâm Lotte – Tòa nhà xanh giữa lòng Hà Nội. [online] Available at: <http://kinhtevn.com.vn/trung-tam-lotte-toa-nha-xanh-giua-long-ha-noi-35690.html>[Accessed 26 March 2020].
(3) Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC). 2017. Sản xuất sạch hơn cần hiểu thế nào cho đúng?. [online] Available at: <https://vncpc.org/san-xuat-sach-hon-can-hieu-the-nao-cho-dung/> [Accessed 26 March 2020].
(4) 2020. Phát triển xanh trong ngành sản xuất đá thạch anh. [online] Available at: <http://scp.gov.vn/tin-tuc/t11370/phat-trien-xanh-trong-nganh-san-xuat-da-thach-anh.html> [Accessed 26 March 2020].
(5) 2019. Hoàng Đăng – Sản xuất sạch hơn trong ngành chế biến tinh bột sắn. [online] Available at: <https://akbarmontada.com/hoang-dang-sa%CC%89n-xuat-sa%CC%A3ch-hon-trong-nganh-che-bien-tinh-bo%CC%A3t-san/> [Accessed 26 March 2020]

————————————————

Tổng hợp và Biên soạn: Hien Nguyen

Graphic Design: Vinh Trinh


Supply Chain Seminar Seri

Nâng cao vị thế chuỗi cung ứng gắn liền với chiến lược tài chính doanh nghiệp với Hội thảo SCSS_No.05/23 Cost Management In Supply Chain: Strategies For Reducing Expenses And Maximizing Profitability

Hội thảo: “Enhanced Efficiency Distribution Cost Optimization With Genai Application


Xem thêm các Chương trình đào tạo về Chuỗi cung ứng