Covid-19 – chủng mới của vi-rút Corona là dịch bệnh đang được cả thế giới quan tâm. Ngoài những tác động sức khỏe cộng đồng, dịch bệnh này còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hoạt động Logistics và Chuỗi cung ứng tại Việt Nam đã chịu những ảnh hưởng từ đại dịch này như thế nào? Hãy cùng VILAS điểm qua qua những thông tin sau đây.
Tàu biển từ Trung Quốc đều phải làm thủ tục kiểm dịch trước khi vào cảng
Trong thời gian vừa qua, tàu biển hành trình từ các cảng của Trung Quốc đến Việt Nam trong vòng 14 ngày đều phải làm thủ tục kiểm dịch trước khi vào cảng. Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện thủ tục này.
Việc này nhằm kiểm soát chặt chẽ thuyền viên, hành khách tại các cửa khẩu và khu vực cảng biển. Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (như sốt, ho, khó thở), các cửa khẩu và cảng biển phối hợp với cơ quan kiểm dịch y tế tổ chức cách ly, có các phương án đối phó tại chỗ phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Chính sách đóng cửa biên giới Trung Quốc
Đóng cửa biên giới với Trung Quốc – đây là chính sách được nhiều quốc gia áp dụng, trong đó có Việt Nam nhằm hạn chế tránh tình trạng lây nhiễm của dịch bệnh này. Việc này đồng thời cũng khiến các hoạt động xuất nhập khẩu hiện đang bị đình trệ, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung hàng hoá và nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất & xuất khẩu sang các thị trường khác.
Hoạt động trao đổi hàng hóa với Trung Quốc của nước ta chủ yếu vận chuyển bằng phương thức đường bộ và đường sắt. Một số cửa khẩu giáp Trung Quốc có thể kể đến như cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Đồng Đăng, …
Dưới tác động của dịch viêm phổi do virus Corona gây ra, xuất khẩu là một lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất.
Cụ thể: Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan, trong tháng 1/2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 2,75 tỷ đôla, giảm đến hơn 35% so với tháng 12/2019.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, nông sản là mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo báo cáo của bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ngày 03/02, ngành hàng đầu tiên chịu tác động là sản phẩm hoa quả, cụ thể hiện nay số lượng lớn thanh long, dưa hấu và sầu riêng đang gặp nhiều khó khăn. Đây là những mặt hàng nông sản – xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc trong dịp Tết và đang bị ứ đọng tại biên giới Việt – Trung do hạn chế giao dịch của hai bên.
Bên cạnh đó, do phải thực hiện các công tác kiểm dịch y tế nghiêm ngặt, nên thời gian giao hàng nói chung đang bị kéo dài.
Vận tải hàng không ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19
Đối với vận tải hàng không, việc tạm dừng khai thác các chuyến bay thẳng đến Hồng Kông, Ma Cao, Trung Quốc đặc biệt là một số chuyến bay trong giờ vàng sẽ khiến giá cổ phiếu của các hãng hàng không giảm mạnh. Đồng thời, việc lưu chuyển hàng hóa qua đường hàng không giữa Việt Nam tới các quốc gia kể trên cũng sẽ gặp khó khăn.
- • Cổ phiếu mã HVN của Vietnam Airlines trong giai đoạn từ 30/1 đến cuối phiên 14/2 đã giảm tới 5.500 đồng, tương đương mức giảm 16.92% giá trị.
- • Cổ phiếu VJC của Vietjet Air đã giảm 17.900 đồng, tương đương mức giảm 12,21% giá trị trong thời gian tương tự.
Lượng hàng hóa vận chuyển giảm đi đáng kể khiến ngành vận tải hàng không cũng sẽ gặp không ít những khó khăn cho dù đây vẫn đang là thị trường đầy tiềm năng.
Cục Hàng không cũng đã dự kiến các kịch bản thiệt hại do Covid 19 gây ra. Cụ thể như sau:
- • Nếu đến tháng 4-2020, dịch viêm phổi cấp do virus corona được khống chế, lượng khách thông qua các sân bay của VN đạt khoảng 119 triệu (giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái);
- • Nếu đến tháng 6-2020 dịch bệnh được khống chế, lượng khách thông qua đạt khoảng 111,6 triệu lượt khách (giảm 4,2%);
- • Nếu đến tháng 8-2020 dịch bệnh được khống chế, lượng khách thông qua chỉ đạt khoảng 98,5 triệu lượt khách (giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái).
Những giải pháp của doanh nghiệp và chính phủ để ứng phó với Covid-19
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra, các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp đã có nhiều phương án giải quyết những khó khăn hiện tại.
Ngay khi Covid-19 vừa bắt đầu xuất hiện và có biểu hiện tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu nông sản tại nước ta, Bộ Công Thương đã ký văn bản số 709/BCT-XNK đề nghị doanh nghiệp Logistics cùng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh nông sản.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã tiến hành vận động các doanh nghiệp giảm chi phí lưu kho 10-20%, đặc biệt là các doanh nghiệp có kho lạnh, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh nông sản thông qua việc ưu tiên bảo quản các mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị cũng đã và đang tham gia tích cực trong việc thu mua nông sản cho nông dân để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.
Sự hưởng ứng của các doanh nghiệp logistics đã phần nào giúp các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và bà con nông dân giảm bớt khó khăn, thiệt hại trong thời gian đại dịch diễn ra.
Áp lực của Covid-19 với logistics – giao hàng chặng cuối
Kéo theo sau là áp lực không hề nhỏ đối với Logistics giao hàng chặng cuối khi người dân giảm nhu cầu mua sắm tại cửa hàng vật lý, gia tăng nhu cầu đối với hoạt động mua sắm online, giao hàng tận nhà. Nổi bật là xu hướng tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo thống kê từ một số sàn thương mại điện tử lớn, tính từ ngày 23-1 đến nay, lượng khẩu trang bán ra trên kênh online tăng hơn 8 lần, nước rửa tay tăng gấp 10 lần, có những lúc hàng vừa được đưa lên thì chưa đến 30 phút đã được đặt hết.
Nhìn chung, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất nhập khẩu và ngành hàng không của nước ta. Tuy nhiên, những khó khăn này cũng đã được phần nào giải quyết nhờ vào những chính sách của chính phủ và những hỗ trợ từ cộng đồng.
Các số VILAS News sẽ được phát sóng mỗi tháng trên kênh Youtube và Fanpage VILAS, mời các bạn đón theo dõi.
Xem thêm các chương trình đào tạo về Chuỗi cung ứng