Procurement

Green Procurement –  Xu hướng mua hàng xanh trong chuỗi cung ứng

  • Green Procurement là gì? 

Thuật ngữ Green Procurement hay mua hàng xanh đã có vào khoảng đầu năm 1990. Tuy nhiên mãi đến những năm 2005 – 2008, thuật ngữ này mới trở nên thịnh hành và dần trở thành một xu hướng hàng đầu của các doanh nghiệp chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Green Procurement đề cập đến việc mua hàng hóa, sản phẩm dịch vụ ít gây tác động xấu đến chất lượng môi trường. Hướng đến việc mua và sản xuất các sản phẩm tái chế, hệ thống tiết kiệm năng lượng, hạn chế khí thải ra môi trường. Mua hàng xanh xem xét tác động môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm.

  • Green Purchasing mang lại những lợi ích gì cho môi trường và chuỗi cung ứng?

Bên cạnh những lợi ích về chi phí lâu dài, hầu hết khách hàng hiện nay đều mong đợi các doanh nghiệp hành động có trách nhiệm và quan tâm đến môi trường. Danh tiếng của bạn trên thị trường, khả năng chịu rủi ro và mong muốn làm điều đúng đắn của bạn cũng phải là những động lực chính.

  • Tối ưu chi phí

Mua hàng xanh có thể tác động lớn đến kết quả kinh doanh của một tổ chức. Vì mua hàng xanh chủ yếu hướng đến việc cải thiện và bảo vệ môi trường, do đó doanh nghiệp thường sẽ chọn mua những sản phẩm thân thiện hơn, hao tốn ít năng lượng, nước, nhiên liệu và tài nguyên khác. Từ đó, giúp doanh nghiệp tối ưu được chi phí trên toàn chuỗi cung ứng như chi phí xử lý chất thải và nguyên vật liệu độc hại.

 

 

  • Thúc đẩy Quảng bá sản phẩm

Người tiêu dùng ngày nay thường có xu hướng khắc khe hơn trong việc đưa ra quyết định mua hàng. Họ không những quan tâm đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn quan tâm đến những giá trị mà doanh nghiệp mang đến cho cộng đồng. Vì thế, mua hàng xanh là một lợi thế rất lớn trong việc chiếm được thiện cảm từ khách hàng và lòng tin vào tính bền vững của doanh nghiệp. 

  • Bảo đảm sức khỏe cho nhân viên

Ngoài việc tối ưu chi phí và thúc đẩy quảng bá sản phẩm, lợi ích rõ ràng nhất của hoạt động xanh là bảo vệ sức khỏe cho tất cả lao động của doanh nghiệp thông qua chất lượng không khí và nguồn nước. Điều này giúp giảm đáng kể các chi phí liên quan đến sức khỏe và an toàn của người lao động, đồng thời cũng làm giảm chi phí rủi ro môi trường.  

  • Các lợi ích bảo vệ môi trường và khí hậu

Điều hiển nhiên và cũng là sứ mệnh hướng đến của hoạt động mua hàng xanh đó là việc cải thiện chất lượng môi trường sống. Mua hàng xanh giúp giảm đáng kể lượng chất thải rắn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu. Ví dụ: Mua giấy tái chế thay vì mua giấy nguyên chất sẽ giảm được một lượng Carbon Dioxide từ việc đốt giấy.

 

XEM THÊM: CHUỖI CUNG ỨNG XANH CỦA IKEA

 

  • Các giải pháp thúc đẩy mua hàng xanh trong doanh nghiệp

Để thực hiện mua hàng xanh, các doanh nghiệp sẽ lấy các tiêu chí từ tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới làm kim chỉ nam để từ đó hình thành mục tiêu riêng cho chuỗi cung ứng của mình. Các mục tiêu cho việc mua hàng xanh thường sẽ hướng đến quy tắc 3R: Reduction, Reuse and Recycling (Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) để giải quyết được 3 vấn đề lớn là tiết kiệm tài nguyên, tránh lãng phí, thân thiện với con người. Dưới đây là một số giải pháp điển hình: 

  • Sử dụng Pallet nhựa

Đa số các doanh nghiệp thường chọn sử dụng Pallet bằng gỗ để kê đỡ hàng hóa. Thế nhưng, việc phá rừng để lấy gỗ cũng sẽ góp phần gia tăng khí nhà kính vì giảm lượng cây xanh đồng nghĩa với việc mất đi nguồn lọc khí Carbon Dioxide ra khỏi khí quyển. Tuy nhiên, vì tính chất dễ trơn trượt nên việc sử dụng Pallet nhựa có thể là một trở ngại lớn đối với các chuỗi cung ứng.

  • Hợp tác cùng các nhà cung ứng trong khu vực

Việc chọn mua nguyên vật liệu và hàng hóa từ các nhà cung ứng nằm trong khu vực của nhà máy sản xuất, đồng nghĩa với việc rút ngắn khoảng cách giao hàng không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển mà còn góp phần làm giảm đáng kể lượng khí CO2 thải ra ngoài môi trường. Chắc hẳn bạn cũng biết rằng, giao thông vận tải chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất trong việc phát thải khí nhà kính.

  • Sử dụng nguyên liệu tái chế

Khi doanh nghiệp quyết định theo đuổi chiến lược mua hàng xanh, việc thay đổi các nguyên vật liệu thân thiện thiên hơn, có thể tái chế là điều đầu tiên cần phải nghĩ đến. Từ nguyên liệu chế tạo sản phẩm đến nguyên vật liệu bao bì đóng gói. Thay vi đóng hàng bằng bao Nilon, doanh nghiệp có thể thay thế bằng bìa Carton và tái sử dụng lại cho đợt hàng tiếp theo. Hoặc sử dụng nhựa tái chế cho các bao bì sản phẩm.

Ví dụ: Chuỗi cung ứng Adidas đã triển khai chiến lược thu gom rác thải nhựa trên biển và biến chúng thành những hạt nhựa. Sau đó, kêu gọi đối tác dệt vải của họ mua lại những nguyên liệu này để chế tạo chúng thành các sợi vải và cho ra các sản phẩm thời trang có nguồn gốc từ nhựa tái chế, góp phần cải thiện môi trường biển.

 

THAM GIA: CỘNG ĐỘNG LOGISTICS VÀ SUPPLY CHAIN VIỆT NAM

 

  • Thách thức của việc thực hiện chiến lược mua hàng xanh

Tuy chiến lược Green Procurement – Mua hàng xanh mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, cho môi trường và cho chuỗi cung ứng. Nhưng để thực hiện được sứ mệnh mua hàng này, doanh nghiệp cần phải chấp nhận một số thách thức và đánh đổi điển hình như sau:

  • Thiếu thông tin và kiến thức

Trước tiên, để thực hiện một chiến lược mới, cần phải trang bị đủ thông tin và kiến thức. Đối với Green Procurement – mua hàng xanh, các nhà quản lý cần có thời gian nghiên cứu để tìm ra những giải pháp không những mang lại hiệu quả cho chuỗi cung ứng mà còn phải mang lại những giá trị cho môi trường – xã hội. Hơn hết là cần đầu tư thời gian và chi phí cho công tác đào tạo nguồn nhân lực những kiến thức về mua hàng xanh.

  • Thiếu Công cụ, máy móc

Để chế tạo nên sản phẩm đặc trưng, có tính thân thiện với môi trường, ví dụ như việc chuyển đổi rác thải thành sợi nhựa của Adidas, doanh nghiệp nhất thiết phải đầu tư vào việc mua máy móc, thiết bị mới hoặc hợp tác với bên thứ 3 để thực hiện kế hoạch của mình.

  • Có thể phải thay đổi nhà cung cấp

Một khi đã quyết định đổi hình thức sản xuất và mua hàng theo hướng “Xanh”, doanh nghiệp có thể phải thay đổi nhà cung cấp, ngay cả đó có là nhà cung cấp lâu năm. Thay vào đó, các nhà quản trị mua hàng cần có thời gian nghiên cứu và tìm kiếm các nhà cung cấp mới, có cùng định hướng và tầm nhìn để trở thành đối tác chiến lược. Đây được xem là rủi ro và thách thức lớn nhất của hoạt động mua hàng xanh.

Tạm kết:

Green Procurement hay mua hàng xanh tuy là một xu hướng không còn quá xa lạ trong chuỗi cung ứng. Nhưng để thực hiện được chiến lược mua hàng này, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị thật chu đáo, về kế hoạch vận hành, mua hàng và kiến thức về mua hàng xanh. Hơn hết là làm sao để việc mua hàng xanh thực hiện đúng sứ mệnh của mình là mang lại lợi ích cho môi trường và cả chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Các hoạt động mua hàng xanh cũng cần được đánh giá lại hiệu quả để đưa ra những giải pháp tối ưu hơn. Điển hình như, mỗi năm doanh chuỗi cung ứng sẽ giảm được bao nhiêu lượng khí và chất thải độc hại ra môi trường. Và để thực hiện tốt chiến lược Green Procurement, doanh nghiệp cần xây dựng một mạng lưới với các đối tác có cùng sứ mệnh và hiểu được mục tiêu của nhau để cùng nhau thực hiện kế hoạch một cách tốt nhất.