Supply Chain

Mạng xã hội làm thay đổi Chuỗi cung ứng số hóa giữa các doanh nghiệp

Các mạng xã hội như Facebook hay Twitter không chỉ đơn thuần là mạng lưới kết nối mà còn là các nền tảng công nghệ xã hội mạnh mẽ, cho phép các công ty xây dựng mối quan hệ với bên cung cấp và đối tác của mình.

Có thể hiểu điều này một cách đơn giản như sau, Facebook bán tính năng cho các công ty phần mềm khác, cho phép họ sử dụng thông tin của Facebook. Các bên này sau đó có thể chuyển những thông tin đó thành các cơ hội và giá trị kinh tế.

 

Ví dụ, trò chơi Farmville của Zynga, chỉ trong vòng 6 tuần, có hơn 10 triệu người chơi mỗi ngày trên Facebook. Đến năm 2013, mỗi tháng Zynga có hơn 265 triệu người chơi thường xuyên.

 

Dù theo tạp chí Time, Farmville nằm trong danh sách 50 sáng tạo tồi tệ nhất, thì tầm nhìn về trò chơi này và nền tảng mạng xã hội liên quan đã và đang tác động đến môi trường kinh doanh giữa các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng số hóa và vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong tương lai.

Mạng xã hội làm thay đổi chuỗi cung ứng số hóa giữa các doanh nghiệp

Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến các hình thức kinh doanh mới kết nối các ý tưởng từ công nghệ xã hội, tương tác khách hàng – doanh nghiệp với các giao dịch thực tế. Xu thế này đang tạo ra một chuỗi cung ứng số hóa thực sự, đưa doanh nghiệp tiến vào thời đại Internet bằng cách áp dụng công nghệ từ các mạng xã hội vào tương tác giữa các doanh nghiệp.

 

Kết nối các công ty trong chuỗi cung ứng số hóa không phải là một ý tưởng mới lạ.

Công ty nổi tiếng nhất đã áp dụng điều này là Alibaba. Khi thành lập vào năm 1999, công ty này hoạt động như một dịch vụ Trang vàng điện tử giúp kết nối nhà cung cấp châu Á với người mua từ các nước phương Tây. Và hiện tại công ty này đã phát triển trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới, giúp thu ngắn chuỗi cung ứng và mang đến cơ hội mới cho người mua và người bán trong một nền tảng số hóa cho phép họ tìm kiếm thông tin dễ dàng.

 

Tuy nhiên, vấn đề lớn trong chuỗi cung ứng là đa số công ty vẫn chưa kết nối về mặt chức năng. Bằng chứng là họ vẫn thanh toán chậm cho nhà cung cấp, thiếu kết nối về mặt tài chính trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, tồn tại nhiều quy trình thiếu hiệu quả, tốn thời gian. Để giải quyết vấn đề này, các công ty cần phải kết nối chặt chẽ hơn với bên liên quan, từ nhà cung cấp, khách hàng cho đến đối tác. Điều này không chỉ giúp việc kinh doanh hiệu quả mà còn giúp xây dựng niềm tin.

 

Một trong những nguyên nhân khiến chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp không hiệu quả là các kênh liên lạc giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp chưa thống nhất. Tuy nhiên, có một giải pháp khá hiệu quả cho vấn đề này: hóa đơn điện tử. Trong số 17 tỷ hóa đơn giữa các doanh nghiệp tại Châu Âu thì 24% là hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, nếu như xem xét kỹ hơn thì có nhiều hóa đơn điện tử thực chất chỉ là các văn bản PDF, hình ảnh được chụp lại hoặc các hình thức khác và chỉ 7,2% là hóa đơn điện tử thực sự.

 

Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp vẫn đang sử dụng chủ yếu các chứng từ giấy, chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, vừa lãng phí tài nguyên và thời gian, vừa làm hạn chế sức mạnh kỹ thuật số.

 

Để có thể thay đổi tình trạng của chuỗi cung ứng số hóa, chúng ta cần áp dụng những điều học được từ mạng xã hội vào quá trình tương tác giữa các doanh nghiệp. Đó là: trao đổi thông tin trong một nền tảng chia sẻ, sử dụng một ngôn ngữ chuẩn hóa, tối giản các quy trình, xóa các bộ phận không cần thiết, giảm rào cản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ gia nhập, đồng thời thay đổi quan điểm về cách sử dụng dữ liệu để cải thiện vấn đề. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, cũng như tăng khả năng cạnh tranh của công ty.

 

Nguồn: Information Age