Supply Chain

PaaS – Mô hình phát triển nhanh nhất của điện toán đám mây

Điện toán đám mây mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà quản trị CNTT và quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên mỗi nhà cung cấp đều có nhiều dịch vụ điện toán đám mây và đi kèm với mỗi dịch vụ ấy là những tiện ích khác nhau.

Dưới đây là bài viết của ông Chin Ying Loong – Phó chủ tịch mảng phần mềm lớp giữa của Oracle ASEAN và SAGE để hiểu thêm về các dịch vụ của họ. Từ phần mềm như một dịch vụ – SaaS, nền tảng như một dịch vụ – PaaS và cơ sở hạ tầng như một dịch vụ – IaaS.
Ông Chin Ying Loong – Phó chủ tịch mảng phần mềm lớp giữa của Oracle ASEAN và SAGE

Ông Chin Ying Loong – Phó chủ tịch mảng phần mềm lớp giữa của Oracle ASEAN và SAGE

Công nghệ điện toán đám mây đã và đang mở ra chuỗi giải pháp kinh doanh dường như bất tận cho mọi doanh nghiệp, từ doanh nghiệp khởi nghiệp, công ty cỡ vừa cho đến những tập đoàn lớn. Chưa bao giờ doanh nghiệp có cơ hội tận dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến như ngày nay, giúp tạo nên những mô hình kinh doanh và trải nghiệm khách hàng vượt trội hơn. Đồng thời, thực tế thị trường tiêu dùng cạnh tranh cao và tính bất ổn của thị trường đang trong công cuộc số hoá cũng là lý do thúc đẩy các doanh nghiệp phải tìm kiếm và triển khai những công nghệ mới có khả năng hỗ trợ kinh doanh.
Những lợi ích kinh doanh mà điện toán đám mây mang lại là không thể phủ nhận, nhưng tôi tin rằng nhiều nhà quản trị CNTT và quản lý doanh nghiệp vẫn còn nhầm lẫn về những mô hình khác nhau của điện toán đám mây. Thấu hiểu cách thức ba mô hình này đáp ứng cho những nhu cầu công nghệ khác nhau trong doanh nghiệp là vô cùng quan trọng; để từ đó, doanh nghiệp có thể tối ưu việc triển khai từng loại mô hình trong doanh nghiệp của mình – đó có thể là phần mềm, phần mềm lớp giữa/ cơ sở dữ liệu/ công cụ tích hợp hoặc phần cứng.
Phần Mềm Như Một Dịch Vụ – SaaS là một dịch vụ phần mềm được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây xuất hiện và ứng dụng sớm nhất. Nhiều ứng dụng giải pháp kinh doanh đang được thực hiện trên điện toán đám mây theo phương thức “dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu”, từ hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, quản lý quan hệ /trải nghiệm khách hàng, quản lý chuỗi cung ứng cho đến quản lý hiệu suất kinh doing hay bất kỳ ứng dụng chuyên ngành nào (FSI/viễn thông/tài chính/…), v.v… Bằng cách truy cập vào một ứng dụng trên điện toán đám mây, những người dùng doanh nghiệp và bộ phận CNTT không còn cần phải cài đặt, duy trì và nâng cấp các phần mềm này cho hàng chục, hay thậm chí là hàng nghìn các thiết bị và người dùng khác nhau. Việc này giúp tiết kiệm một lượng thời gian và chi phí đáng kể cho các khoản CNTT.
Nền Tảng Như Một Dịch Vụ – PaaS là một tầng điện toán đám mây dành cho phần mềm lớp giữa, các công cụ tích hợp và cơ sở dữ liệu. PaaS cung cấp quyền truy cập cho khách hàng với chuỗi dịch vụ đa dạng từ phần mềm lớp giữa tới cơ sở dữ liệu, phân tích trên bộ nhớ, di động, Dữ Liệu Lớn, quy trình, và quản lý tài liệu, v.v… để từ đó kết hợp các ứng dụng tùy chọn với một loạt tính năng tương thích. Tương tự các mô hình “như một dịch vụ” khác, PaaS giúp giảm thiểu cả chi phí lẫn các công đoạn phức tạp. Tất cả mọi rắc rối, chi phí mua, tích hợp và duy trình phần mềm, phần cứng và các công nghệ nền tảng đều thuộc trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ PaaS. Lợi ích không chỉ dừng lại ở việc giảm thiểu chi phí. Khả năng rút ngắn thời gian triển khai và quá trình phát triển ứng dụng giúp PaaS trở thành một trong những phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong công nghệ điện toán đám mây hiện nay.
Cơ Sở Hạ Tầng Như Một Dịch Vụ – IaaS là mô hình cung cấp dịch vụ điện toán, lưu trữ và kết nối trên điện toán đám mây theo cơ sở thuê bao. Nó giúp doanh nghiệp sử dụng tính năng điện toán dưới dạng máy ảo, lưu trữ, và kết nối mạng lưới qua cổng thông tin trên web như một giao diện điều khiển quản lý các hoạt động. Nhà cung cấp dịch vụ sở hữu cũng như duy trì cơ sở hạ tầng, và thường lưu trữ chúng trong các trung tâm dữ liệu của mình. Quy mô của cơ sở hạ tầng phụ thuộc vào từng nhu cầu, nên khá hấp dẫn với những doanh nghiệp đang dần phát triển và còn non trẻ, bởi họ không có đủ điều kiện để đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT của riêng mình.

Sự khác biệt giữa PaaS vs IaaS

Rất nhiều người thường nhầm lẫn IaaS và PaaS; và cũng rất nhiều doanh nghiệp không hiểu được rằng hai mô hình này đáp ứng cho các nhu cầu khác nhau của nền CNTT cho doanh nghiệp. IaaS cấp quyền truy cập phần cứng như nguồn điện năng, máy chủ, dịch vụ kết nối và lưu trữ theo phương thức “dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu”.
PaaS là nền tảng được cài đặt trên cùng của lớp phần cứng và nhà cung cấp hàng đầu hiện nay chính là Oracle. Tính năng của PaaS được dùng để phát triển, triển khai, quản lý và mở rộng ứng dụng SaaS. Các đội ngũ phát triển ứng dụng có thể sử dụng những cấu trúc, tiện ích và sản phẩm quen thuộc bao gồm IDE (Môi trường phát triển tích hợp) – và từ đó, triển khai những ứng dụng hiện hành hoặc qua đám mây công cộng. Phát triển ý tưởng kinh doanh mới và tạo dựng một ứng dụng riêng biệt để hỗ trợ nhờ đó có thể hoàn thiện nhanh hơn và với rủi rõ ít hơn qua PaaS.

PaaS – Mô hình phát triển nhanh nhất của điện toán đám mây

Hãng nghiên cứu và tư vấn CNTT hàng đầu thế giới Gartner dự đoán rằng giá trị thị trường của PaaS sẽ vượt ngưỡng 1.8 tỷ USD vào năm 2015 và tổng doanh thu toàn cầu sẽ đạt 2.9 tỷ USD vào năm 2016. Các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm một dịch vụ nền tảng có thể tạo dựng và phát triển ứng dụng một cách nhanh chóng, với khả năng tích hợp dữ liệu và các quy trình giữa điện toán đám mây và hệ thống hiện hành mà vẫn tối thiểu hóa được những công đoạn phức tạp. Họ mong muốn được sở hữu những ứng dụng kinh doanh sống động hơn và có khả năng kết hợp nhiều mô hình mới như di động, phân tích và mạng xã hội.
Nếu những tính năng này được tích hợp trong PaaS để được tận dụng và chia sẻ với nhiều ứng dụng khác thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Điện toán di động là một ví dụ điển hình. Việc hỗ trợ nguồn nhân lực di động đòi hỏi phải tích hợp nhiều thiết bị, nền tảng phát triển và tiêu chuẩn khác nhau. Sở hữu nền tảng PaaS để quản lý nhiều nền tảng và thiết bị di động sẽ giảm thiểu gánh nặng cho bộ phận CNTT mà đảm bảo khả năng tích hợp, bảo mật và tương tác vốn có. Trong nhiều trường hợp, việc đưa các ứng dụng kinh doanh lên điện toán đám mây để tận dụng các khả năng di động, mạng xã hội và hợp tác của nền tảng PaaS chắc chắn sẽ dễ dàng hơn việc tạo những dịch vụ ứng dụng hoàn toàn mới từ đầu.
“Bởi chúng ta đang hướng tới một nền kinh tế ứng dụng, PaaS sẽ là một phần không thể thiếu cho các doanh nghiệp để đảm bảo tốc độ tiếp cận thị trường nhanh hơn và khả năng kết nối với nhân viên, cũng như khách hàng tốt hơn. PaaS ngày càng trở thành một lựa chọn phổ biến cho những doanh nghiệp đang tìm một giải pháp nhanh chóng hơn để phát triển, thử nghiệm và triển khai những ứng dụng riêng biệt.” Chin Ying Loong, Phó Chủ tịch, Oracle Fusion Middleware, Oracle ASEAN và SAGE.
Theo dientutieudung.vn