-
Risk Management trong chuỗi cung ứng là gì?
Risk Management trong Supply Chain hay quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng được hiểu là quá trình giám sát, đo lường, phân tích, đánh giá, và tìm ra những rủi ro gây ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, tìm ra giải pháp kiểm soát, khắc phục rủi ro, giúp tối ưu nguồn lực và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Nói cách khác, quản trị rủi ro hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định đúng đắn, tăng độ tin cậy và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Những Risk Magement trong chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp đã phải đối mặt trong đại dịch Covid – 19?
Đại dịch Covid diễn ra gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Lệnh đóng cửa ở các quốc gia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung ứng hàng hoá. Bên cạnh đó còn có lệnh nghiêm cấm một số phương tiện vận chuyển khiến hàng hoá không thể lưu thông, xuất khẩu.
Đối mặt với vấn đề dịch bệnh kéo dài, các chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Dưới đây là 4 rủi ro đã xảy đối với các chuỗi cung ứng trong thời gian dịch bệnh:
-
Rủi ro về nguồn cung ứng:
Đây là rủi ro lớn nhất và dễ dàng nhận thấy nhất đối với các chuỗi cung ứng khi dịch bệnh bùng phát. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến tình trạng đóng cửa và sự hồi phục không đồng đều tại các quốc gia, khiến nguồn cung ứng nguyên liệu hàng hoá bị gián đoạn.
-
Rủi ro về nguồn nhân lực:
Do sự bất tiện của dịch bệnh khi Chính Phủ ban hành chỉ thị 16 đã dẫn đến việc một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, vì tâm lý lo sợ lây nhiễm bệnh đã khiến nhiều công nhân tự nguyện bỏ việc, và những tình huống bất ngờ xảy ra như lệnh phong tỏa tại nơi ở của nhân công dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn nhân lực. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của chuỗi cung ứng.
THAM GIA: GROUP CỘNG ĐỒNG LOGISTICS VÀ SUPPLY CHAIN VIỆT NAM
-
Rủi ro về giá cước:
Trong khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát từ cuối năm 2019, giá cước tàu biển liên tục tăng không thể kiểm soát. Theo các chuyên gia Supply Chain và Logistics, đây được xem là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử vận chuyển đường biển.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do sự hạn chế trong việc vận chuyển bằng đường hàng không và đường bộ khi dịch bệnh hoành hành, dẫn đến các vấn đề như ùn tắc, hụt Container, giảm Capacity hãng tàu. Từ đó, gia tăng sự phụ thuộc vào vận chuyển đường biển dẫn đến cước phí tăng cao.
-
Rủi ro về chất lượng:
Dịch bệnh bùng phát khiến nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Tuy nhiên, việc di chuyển khó khăn khiến thời gian hàng hoá đến khách hàng kéo dài, dẫn đến tình trạng hàng hoá bị hư hỏng, quá hạn sử dụng,…
XEM THÊM: KHỦNG HOẢNG CHUỖI CUNG ỨNG KHIẾN TOÀN CẦU HÓA CHẬM LẠI NHƯ THẾ NÀO?
-
Rủi ro hàng tồn kho:
Dịch bệnh diễn ra đột ngột và chuyển biến phức tạp là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng kém thiết yếu như linh kiện điện tử, đồ nội thất, bánh kẹo,… Những mặt hàng này sẽ phải ở trong kho trong một khoảng thời gian dài và doanh nghiệp sẽ phải chi trả một khoản phí lớn cho hoạt động lưu kho. Không những thế, doanh nghiệp còn có thể đối mặt với nguy cơ hàng hoá bị lỗi thời, sẽ không bán được, gây tổn thất về mặt chi phí.
-
Những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng?
Để thích nghi và ứng phó với dịch bệnh phức tạp. Các doanh nghiệp đã kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện tình hình chuỗi cung ứng của mình:
-
Triển khai giải pháp cho lao động làm việc Onboard:
Để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành hàng thiết yếu đã triển khai cho nhân công làm việc và ở lại nơi làm việc. Vừa đảm bảo đủ lực lượng lao động phục vụ cho việc sản xuất và vận chuyển hàng hoá, vừa đã đảm bảo cho sự an toàn của nhân viên.
-
Phân loại mức độ quan trọng của hàng hoá:
Với tình trạng thiếu nguồn cung và hạn chế trong việc di chuyển, các doanh nghiệp buộc phải đưa ra quyết định trong việc sản xuất những mặt hàng ưu tiên. Bên cạnh đó là xem xét cẩn thận mức dự trữ an toàn cả nguyên liệu và thành phẩm. Điều này giúp hạn chế vấn đề tích trữ hàng tồn kho quá lớn mà vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường.
-
Đổi mới mô hình kinh doanh bằng các giải pháp kỹ thuật số:
Đại dịch Covid thật sự đã thúc đẩy sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, và ngược lại những giải pháp khoa học công nghệ đã giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện tình hình của chuỗi cung ứng. Các giải pháp như ERP, Cargowise, IOT, Blockchain giúp tăng tính hiển thị, cập nhật tình trạng hàng hoá, tăng tính kết nối giữa nhiều người dùng, và tăng tính bảo mật, đảm bảo sự an toàn và tin cậy cho hàng hoá và khách hàng.
-
Thực hiện biện pháp thay thế, giảm sự phụ thuộc vào vận chuyển bằng Container:
Đối mặt với tình trạng thiếu Container kéo dài, một số doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm sự phụ thuộc vào việc Booking tàu Container. Đơn cử như tập đoàn sản xuất đồ uống Coca – Cola đã vận chuyển hơn 60.000 tấn nguyên liệu trên ba tàu chở hàng rời cỡ nhỏ (handysize) để duy trì dây chuyền sản xuất của mình trên toàn thế giới, thay vì sử dụng tàu Container như trước đây.
Tạm kết:
Ứng phó với đại dịch Covid – 19, các doanh nghiệp đã kịp thời đưa ra những quyết định đúng đắn và kịp thời để duy trì và cải thiện chuỗi cung ứng của mình. Đại dịch mang đến những gián đoạn và những rủi ro tiềm ẩn, song đây cũng chính là thời cơ giúp doanh nghiệp rà soát và bổ sung những giải pháp mới trong việc quản lý rủi ro, hướng tới việc duy trì và tối ưu chuỗi cung ứng.