Supply Chain

Six Sigma và Cách Samsung ứng dụng siêu mô hình này

I/ Six Sigma là gì và có ý nghĩa thế nào?

Six Sigma là một hệ các phương pháp cải tiến quy trình dựa trên dữ liệu thống kê, được thiết kế để cải thiện và loại bỏ các nguyên nhân gây ra lỗi cho sản phẩm. Định nghĩa này được xây dựng dựa trên nguyên tắc thống kê: Nếu bắt đầu với giá trị trung bình của quy trình và doanh nghiệp có khả năng loại bỏ các khiếm khuyết trong sáu độ lệch chuẩn của giá trị trung bình và giới hạn thông số kỹ thuật gần nhất, công ty sẽ hầu như loại bỏ tất cả các lỗi hoặc sai sót.

Ý nghĩa của Six Sigma là đo lường hoạt động của doanh nghiệp đi lệch khỏi sự chính xác bao xa, và tìm ra những lỗi phát sinh trong quá trình vận hành. Từ đó, Six Sigma sẽ sửa chữa những lỗi đó và hướng đến mục tiêu chỉ còn 3,4 lỗi (hay sai sót) hoặc thậm chí “không lỗi” trên mỗi một triệu khả năng gây lỗi. Nói cách khác, hoạt động vận hành phải hoàn hoàn hảo đến mức 99,99966%. Sau khi đo lường hiệu suất hiện tại của quy trình, mục tiêu là liên tục cải thiện mức độ Sigma phấn đấu hướng tới Six Sigma. Ngay cả khi các cải tiến không đạt đến 6 Sigma, các cải tiến được thực hiện từ 3 Sigma thành 4 Sigma đến 5 Sigma vẫn sẽ giảm chi phí và tăng sự hài lòng của khách hàng.

Phân loại sigma Số lượng sản phẩm lỗi trên 1 triệu sản phẩm Năng suất (%)
6 3, 4 99.99966%
5 230 99.977%
4 6210 99.38%
3 66800 93.32%
2 308000 69.15%
1 690000 30.85%

Để đạt đến mức độ này, mô hình cần sử dụng một bộ các phương pháp quản lý chất lượng, bao gồm những nhà quản lý trong tổ chức với các cấp bậc giảm dần từ Executive Leadership, Champions, Master Black Belts, Black Belts, Green Belts: 

 

Six sigma

 

II/ Tại sao công ty cần áp dụng Six Sigma?

  1. Hạn chế lãng phí trong Chuỗi cung ứng

Six Sigma được thiết kế để đảm bảo rằng lãng phí là tối thiểu trong quá trình sản xuất. Sự lãng phí này có thể bao gồm lãng phí thời gian chờ đợi bước tiếp theo và thời gian xử lý khi không áp dụng công nghệ vào quản lí Chuỗi cung ứng.

  1. Cải thiện tốc độ

Một trong những lợi ích của chuỗi cung ứng tốt nhất mà doanh nghiệp sẽ nhận thấy được khi áp dụng Six Sigma đó là tốc độ được cải thiện. Điều này là do Six Sigma dựa trên việc đảm bảo rằng tất cả các quy trình được hoàn thành nhanh nhất có thể và các quy trình không cần thiết được loại bỏ. Bằng cách này, Six Sigma có thể giúp bạn đảm bảo rằng các đơn đặt hàng của bạn được đặt và hoàn thành nhanh hơn.

  1. Lập kế hoạch dự đoán tốt hơn

Khi doanh nghiệp sử dụng Six Sigma, công ty sẽ áp dụng một quy trình ổn định hơn để quản lý chuỗi cung ứng của mình. Do đó làm tăng độ chính xác của đơn đặt hàng, ngân sách hàng tồn kho và thời gian giao hàng trở nên dễ đoán hơn.

  1. Giảm chi phí

Six Sigma sẽ tinh chỉnh các quy trình và giảm chi phí, tạo ra một bộ đệm giữa ngân sách và các chi phí bất ngờ cho chuỗi cung ứng.

  1. Xác định rõ hơn vấn đề

Với Six Sigma, nếu xảy ra sự cố với quy trình chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sẽ có thể dự đoán và chuẩn bị cho các sự kiện sắp diễn ra, vì nó sẽ nằm ngoài quy trình vận hành thông thường mà bạn sử dụng cho chuỗi cung ứng và hàng tồn kho.

  1. Cải thiện sự tham gia của thành viên trong nhóm

Six Sigma yêu cầu nhân viên trong Chuỗi cung ứng phải tích hợp khả năng đưa ra quyết định về các vấn đề mà không phải tham khảo ý kiến của người giám sát. Điều này không chỉ giúp nhân viên chủ động hơn mà còn góp phần giúp giảm số lượng rào cản cho mỗi quyết định, khiến họ có khả năng thực hiện ở mức cao hơn.

III/ Samsung: Ví dụ điển hình của ứng dụng Six Sigma trong thực tế 

Samsung Six sigma

Bối cảnh ra đời:

  • Tập đoàn Samsung được thành lập năm 1938 tại Hàn Quốc, được công nhận là tập đoàn sản xuất, tài chính và dịch vụ hàng đầu toàn cầu.
  • Năm 1993, Samsung SH-700 có tỷ lệ lỗi quá cao, đến 11,8%. Dẫn đến việc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ hơn 150.000 sản phẩm.

-> Bước ngoặt cho việc thay đổi phương châm của Samsung, chuyển đổi trọng tâm từ số lượng sang chất lượng và đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu.

Six Sigma của Samsung: Cải thiện quy trình để giành lợi thế dẫn đầu

Six Sigma của Chuỗi cung ứng Samsung được xây dựng dựa trên 2 nền tảng chính:

  • Nền tảng 1: Phương pháp cốt lõi được phát triển bởi Nhóm kinh doanh Chuỗi cung ứng (SCM Business Team, sau được đổi tên thành SBT). Nhóm này đã nghiên cứu sáu cách tiếp cận Sigma khác nhau của các công ty toàn cầu đã được lựa chọn từ trước (General Electric – GE, DuPont, Honeywell), sau đó điều chỉnh và học hỏi.
  • Nền tảng 2: Thiết kế phương thức cải tiến quy trình dựa trên những kinh nghiệm thực tế của Chuỗi cung ứng Samsung nhằm hướng dẫn thực hiện trong suốt các giai đoạn khác nhau.

Theo đó, Samsung đã cho ra đời nguyên lý Six Sigma của doanh nghiệp với phương thức tiếp cận DMAEV:

DMAEV

  • Define – Xác định: Xác định dự án tổng thể, bao gồm các vấn đề cần giải quyết, (các) mục tiêu dự án và phạm vi, kết quả dự kiến, và tiến độ dự án.
  • Measure – Đo lường: Hiểu được thực trạng năng lực của tổ chức, đo lường năng suất lao động, thời gian (Lead time, Cycle time, Takt time, Waste time), thiết lập chi tiết quy trình sản xuất, tìm ra những điểm nút cổ chai (bottleneck) xảy ra trong quá trình sản xuất,…
  • Analyze – Phân tích: Phân tích các thông số thu thập được trong bước Đo Lường để giả thuyết về nguyên nhân của dao động và tiến hành kiểm chứng, xác định những điểm tạo ra giá trị gia tăng (Value added) và những điểm không tạo ra giá trị gia tăng (Non – Value added), xác định nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề, những điểm nút cổ chai trong quá trình sản xuất.

Một số phương pháp và công cụ thống kê được sử dụng trong bước này như là: 5 Why’s, FMEA (Failure Mode and Effect Analysis), Các phương pháp kiểm chứng giả thuyết, Đồ thị tác nhân chính (Main Effect Plot)

  • Enable – Kích hoạt: tập trung phát triển các giải pháp nhằm loại trừ căn nguyên của dao động, kiểm chứng và chuẩn hoá các giải pháp
  • Verify – Xác minh: thiết lập các thông số đo lường chuẩn để duy trì kết quả và khắc phục các vấn đề khi cần, bao gồm cả các vấn đề của hệ thống đo lường.

Bước này bao gồm: Hoàn thiện hệ thống đo lường, Kiểm chứng năng lực dài hạn của quy trình, Triển khai việc kiểm soát quy trình

Ngoài ra, Samsung còn kết hợp 5 khái niệm tham số thiết kế:

  • Process – Quy trình
  • Operation rule & Policy – Quy tắc hoạt động & Chính sách
  • Organization role & Responsibility – Vai trò tổ chức và Trách nhiệm
  • Performance measure – Đo lường hiệu suất
  • System – Hệ thống, mô hình hóa quy trình và kỹ thuật bản đồ chuỗi giá trị và đầu tư liên quan đến Chuỗi cung ứng phương pháp phân tích giá trị.

Samsung Six sigma

Về mặt nhân sự tại Samsung, Six Sigma được triển khai đến toàn bộ các cấp bậc quản lý cũng như nhân viên trên tất cả các bộ phận,  không chỉ phổ biến một cách chung chung cho các quản lý cấp cao.

Sau 3 năm, số lượng các Master Black Belts, Black Belts và Green Belts  đã đạt gần 15.000 người, tức gần 1/3 số nhân viên của họ. Năm 2004, công ty đặt ra mục tiêu huấn luyện đào tạo về Six Sigma cho toàn bộ lực lượng lao động của họ, với khoảng 49.000 người trong 89 văn phòng nằm tại 47 quốc gia khác nhau.

Mô hình này còn được mở rộng sang cả Marketing, Sales và ngay cả những bộ phận phục vụ gián tiếp như kế toán, nhân sự, bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới (R&D), và cuối cùng là đến toàn bộ Chuỗi cung cấp.

Kết quả

Cho đến năm 2015, Samsung vươn lên vị trí thứ 8 trong số 25 công ty hàng đầu thế giới về hiệu quả của Chuỗi cung ứng, một phần quan trọng trong năng lực sản xuất của công ty.

Có thể thấy, Six Sigma đã giúp Samsung xác định được nguyên nhân thất bại  của những sản phẩm trước đó và phục hồi rất nhanh. Thành công của Galaxy S6 đã thực sự lột xác dòng flagship của Samsung. Sau đó, tiếp nối thành công, Samsung Galaxy S7 và S7 edge vươn lên vị trí số 1 trong thị trường smartphone.  Không chỉ áp dụng siêu quy trình này cho các dòng điện thoại flagship, Samsung còn ứng dụng nó cho các sản phẩm ở dòng mid-end, ví dụ điển hình nhất là Samsung J7 Prime. 

Theo cafef.vn, leansixsigmadefinition.com, sixsigmadaily.com, afflink.com & isixsigma.com