“Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng tại khu vực thành thị và nông thôn trong năm 2017 được giới chuyên gia dự báo là không có khác biệt lớn so với năm 2016, đạt khoảng 5%. Chỉ số niềm tin năm 2017 cũng được dự báo sẽ bình ổn ở mức 89 điểm” – Thông tin được công bố tại Diễn đàn Quản trị cung ứng hướng đến 2017.
Theo đánh giá tổng quát của ông Julien Brun, CEL Consulting, năm 2016, là một năm thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Trong nhóm các quốc gia châu Á đang phát triển, Việt Nam đứng thứ 3 về tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,7%, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016 được dự báo đạt 6,5%.
Hiện cả nước có hơn 101.500 doanh nghiệp mới được thành lập với tổng số vốn đăng ký trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,1% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn so với cùng kỳ 2015. Số vốn trung bình của một doanh nghiệp mới đăng ký là 345,7 nghìn USD, tăng 26,5%. Các dự án bất động sản cũng phát triển mạnh mẽ, riêng ở khu vực quận 1 TP. Hồ Chí Minh đã có 95 dự án hiện đang thi công. Trong năm 2016, nguồn cung đất công nghiệp cũng bình ổn với một số dự án mới tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Xu hướng thị trường tiêu dùng nội địa 2017
Ông Julien Brun dự báo, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng tại khu vực thành thị và nông thôn năm 2017 cũng được đánh giá là không có khác biệt lớn so với năm 2016, được dự báo rơi vào khoảng 5%. Chỉ số niểm tin của người tiêu dùng trong năm 2016 (90 điểm) cao hơn năm 2015 (85 điểm), cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Chỉ số niềm tin năm 2017 được dự báo sẽ bình ổn ở mức 89 điểm.
Điều này cho thấy rằng, người tiêu dùng đã cảm thấy tin tưởng hơn vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng phát triển và cải thiện mức sống. Tuy nhiên, những sự kiện ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm trong năm qua khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an và quan tâm nhiều hơn đến hai vấn đề này.
Hiện có tới 80% người tiêu dùng Việt Nam coi vấn đề an toàn thực phẩm là quan trọng nhất, trên cả công việc, chi phí sinh hoạt, và thiên tai. Chính vì vậy, người tiêu dùng “trừng phạt” những thương hiệu bị scandal an toàn thực phẩm rất khắt khe, khiến cho doanh thu của những thương hiệu này giảm mạnh từ 30-60%.
Về xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Internet và thương mại điện tử (TMĐT) đối với các doanh nghiệp, nếu muốn tiếp tục cạnh tranh hiệu quả trong tương lai.
“Hơn 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi và đây là thế hệ trẻ quen với việc sử dụng công nghệ và mạng Internet để thu thập thông tin về hàng hóa để phục vụ cho quyết định mua sắm. Ngoài ra, xu hướng phụ nữ đi làm đang ngày càng tăng khiến cho nhu cầu mua hàng tiêu dùng qua kênh TMĐT cũng gia tăng”, CEL Consulting khảo sát.
Về thị hiếu thương hiệu, người tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là vẫn trọng thương hiệu Việt hơn thương hiệu quốc tế đối với các mặt hàng thực phẩm, nước giải khát, bia rượu, quần áo và sản phẩm vệ sinh nhà cửa vì hợp túi tiền. Đối với những mặt hàng giá trị cao như xe máy, ô tô, mỹ phẩm, điện gia dụng và hàng điện tử tiêu dùng thì các thương hiệu nước ngoài lại được người tiêu dùng coi trọng hơn. Do vậy, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong nước tăng gấp đôi (12%) so với doanh nghiệp nước ngoài.
Xu hướng sản xuất và xuất khẩu 2017
Đánh giá mới đây của CEL Consulting cũng cho thấy rằng: Hầu hết các doanh nghiệp đều cảm thấy lạc quan vào kinh tế năm 2017. Mặc dù TPP có thể sẽ không được thông qua, nhưng điều đó cũng không thay đổi thực tế Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn xuất khẩu vào Mỹ.
Ngoài TPP, Việt Nam còn có thể kỳ vọng vào những hiệp định thương mại khác như hiệp định thương mại Á-Âu được dự báo sẽ tăng 2,27% vào tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hỏi lớn đối với doanh nghiệp liên quan đến Luật Lao Động sửa đổi bổ sung, những động thái của những doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam chỉ vì TPP, tốc độ ứng dụng công nghệ và làm thế nào để tiếp tục giữ vững niềm tin của người tiêu dùng…
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), năm 2017 doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung xây dựng uy tín đối với cộng đồng bằng cách đáp ứng những kỳ vọng của xã hội không chỉ ở cấp độ thương mại về giá cả và chất lượng, mà còn ở cấp độ lợi ích và phúc lợi bền vững. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng về chuỗi cung ứng bền vững, áp dụng chuẩn ISO20400.
Về vấn đề ứng dụng công nghệ, ý kiến của nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, việc chuẩn bị sẵn sàng để nâng cấp và thích ứng với xu hướng công nghệ mới là rất quan trọng. Do đó, trong năm 2017, doanh nghiệp mong đợi về việc số hóa quy trình và thủ tục xuất nhập khẩu, để giảm thời gian cũng như công sức thực hiện và xử lý giấy tờ.
Đối với lĩnh vực kho vận, việc đưa robot thay thế con người trong thực hiện những thao tác soạn hàng, di chuyển hàng hóa và kiểm đếm hàng hóa đang được tiến hành và đã được thử nghiệm bởi các doanh nghiệp dẫn đầu. Nhiều ý kiến cho rằng, tương lai robot của thế giới có thể được nghiên cứu và phát triển ở những cường quốc kinh tế nhưng khả năng cao sẽ được sản suất bởi những quốc gia như Việt Nam…
Nguồn: tapchitaichinh.vn