Supply Chain Management

Rủi ro chuỗi cung ứng – Nguyên nhân và 3 cách phân loại

Đối mặt với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế cùng những biến động của thị trường, các chuỗi cung ứng ngày càng trở nên mỏng manh và dễ bị tổn thương trước tác động trước những rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Những rủi ro chuỗi cung ứng có thể đến từ những sơ xuất trong quá trình vận hành, hoặc đến từ những yếu tố bên ngoài và cũng có thể đến từ những cơ hội phát triển của chính chuỗi cung ứng đó.

Vd: Khi doanh nghiệp nhận được một đơn hàng lớn, đây được xem là một cơ hội, song cũng là một một mối đe dọa nếu doanh nghiệp không sản xuất kịp và giao hàng chậm trễ cho khách đặt hàng. Điều này gây mất uy tín và ảnh hưởng trầm trọng đến hiệu suất của toàn chuỗi giá trị.

Vậy rủi ro chuỗi cung cung ứng là gì và vì sao cần phải quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng?

Rủi ro được hiểu là những điều chưa chắc chắn, liên quan đến các sự kiện trong tương lai hoặc kết quả của các hoạt động vận hành. Các rủi ro thường mang đến những ảnh hưởng không tốt cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. 

Đối với chuỗi cung ứng, rủi ro là những biến đổi hoặc gián đoạn mà khi xảy ra, chúng gây ảnh hưởng đến luồng dịch chuyển của thông tin, nguyên vật liệu và thành phẩm từ nhà cung cấp ban đầu đến khách hàng cuối cùng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro gây đứt quãng chuỗi cung ứng, dưới đây là 5 nguyên nhân cơ bản, dễ xác định nhất:

  • Lập kế hoạch và dự báo không chính xác

Dự báo nhu cầu và lập kế hoạch cung ứng là giai đoạn đầu phễu và vô cùng quan trọng trong hoạt động chuỗi cung ứng. Thế nhưng, đây lại là một trong những giai đoạn thường dễ bị ảnh hưởng bởi những rủi ro. Những rủi ro thường đến từ phía nội tại, từ những thiếu sót của cá nhân hay một nhóm trong việc thu thập liệu, dẫn đến kết quả dự báo cuối cùng không sát với nhu cầu thực tế, từ đó lập kế hoạch cung cầu không hiệu quả. Những rủi ro cũng có thể bắt nguồn từ những yếu tố bên ngoài chuỗi cung ứng vì những thay đổi đột ngột về nhu cầu không thể lường trước như dịch bệnh, thiên tai, sự kiện chính trị,…

  • Những yếu tố về môi trường

Là một trong những rủi ro bên ngoài, yếu tố về môi trường như thiên tai là một trong những rủi ro gây gián đoạn chuỗi cung ứng, là rủi ro khó khắc phục và gây ra hậu quả nặng nề nhất. Đặc biệt khi tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới, các nhà sản xuất cần phải nhận thức được lượng khí thải carbon trong hoạt động vận hành của mình đối với khí hậu trên toàn thế giới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần dự đoán khả năng xảy ra thảm họa thiên nhiên như động đất, hạn hán,…, những sự cố này có thể làm hỏng mạng lưới cung cấp và sản xuất của họ như thế nào, cũng như các kế hoạch dự phòng thích hợp để duy trì mức sản xuất nếu những sự kiện này diễn ra.

  • Sự phức tạp trong mạng lưới đối tác

Mạng lưới thông tin chuỗi cung ứng bao gồm cả luồng thông tin của các đối tác nội bộ, là các phòng ban trong doanh nghiệp, và đối tác bên ngoài chuỗi cung ứng là nhà các nhà cung cấp. Khi chuỗi cung ứng ngày càng lớn mạnh, lượng thông tin giữa các bên liên quan cả trong và ngoài chuỗi cũng sẽ tăng lên. Chính vì thế, nếu không có kế hoạch quản lý thông tin hiệu quả, rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, gây rạn nứt các hoạt động trong chuỗi cung ứng.

Đáng nói hơn là việc kết nối thông tin với các đối tác bên ngoài càng khó khăn và phức tạp hơn hết, nếu không quản lý chặt chẽ, chuỗi cung ứng có nguy cơ đối mặt với sự thiếu hụt hàng hóa, hay sự kém chất lượng của sản phẩm cuối cùng, ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng và uy tín doanh nghiệp. 

  • Những thay đổi trong quy định của chính phủ

Các quy định và hạn chế của chính phủ đang nhanh chóng trở thành rào cản chung mà các công ty phải vượt qua trong chiến lược quản lý chuỗi cung ứng của mình, đặc biệt là khi mạng lưới sản xuất toàn cầu trở nên khác biệt hơn và thâm nhập vào các thị trường mới nổi. Thuế, hạn chế thương mại, kiểm soát biên giới và luật lao động là những yếu tố quan trọng mà các nhà hoạch định và quản lý phải giải quyết trong việc xây dựng chiến lược sản xuất và cung ứng. 

  • Phản ứng không linh hoạt với xu hướng công nghệ mới

Trong thời đại kỹ thuật số không ngừng được cải tiến, các doanh nghiệp thể hiện sự cạnh tranh của mình qua việc nắm bắt và ứng dụng các công nghệ mới vào quy trình vận hành và quản lý chuỗi cung ứng của mình. Việc tiếp cận công nghệ mới giúp các sản phẩm của doanh nghiệp có nhiều sự cải tiến, trở thành một sản phẩm bán chạy trên thị trường, hay nhờ vào ứng dụng công nghệ mà quy trình chuỗi cung ứng của họ trở nên tinh gọn và hiệu quả hơn.

Trái lại đối với những doanh nghiệp không theo kịp các đổi mới công nghệ, chuỗi cung ứng và sản phẩm của họ có nguy cơ đối mặt với sự lỗi thời, lạc hậu, dẫn đến việc mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, khả năng tiếp cận công nghệ cũng được xem là một rủi ro quan trọng cần được ghi nhận và đưa ra kế hoạch cải thiện.

Những rủi ro có xu hướng tăng lên khi chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp, vì thế việc quan trọng mà doanh nghiệp cần làm là nhận dạng và phân loại các rủi ro nhằm giúp cho việc quản lý dễ dàng và hiệu quả hơn.

THAM GIA: CỘNG ĐỒNG LOGISTICS VÀ SUPPLY CHAIN VIỆT NAM

Trong bài viết này, VILAS đề cập đến 3 cách phân loại rủi ro chuỗi cung ứng cơ bản nhất: Phân loại theo mức độ nhận thức, Phân loại theo tính chất rủi ro, Phân loại rủi ro theo từng chức năng chuỗi cung ứng

Phân loại theo mức độ nhận thức

Cách phân loại này dựa trên 2 tiêu chí đánh giá chính là: Mức độ ảnh hưởng và mức tần suất xảy ra các rủi ro, được chia làm 4 cấp độ: Know Knowns, Unknown Knowns, Known Unknowns, Unknown Unknowns, như sơ đồ bên dưới:

Với: 

  • Known Knowns:

Đây là những rủi ro cơ bản, rất thường xảy ra và rất dễ để nhận biết, cũng như là có mức độ ảnh hưởng cao đến chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp thường hiểu rõ về tính chất của các loại rủi ro này và chúng tác động đến hoạt chuỗi cung ứng như thế nào, ở mức độ nào. Việc đối mặt và giải quyết những rủi ro này trở thành một kiến thức vốn có của doanh nghiệp. 

  • Unknown Knowns:  

Ở cấp độ này, doanh nghiệp có thể đánh giá rủi ro dựa trên mức độ ảnh hưởng đến hoạt động vận hành và hiệu quả chuỗi cung ứng, nhưng không biết được chính xác khi nào sẽ xảy ra rủi ro sẽ xảy ra, tần suất lặp lại của những rủi ro này.

  • Known Unknowns: 

Ngược lại, ở cấp độ này, doanh nghiệp có thể nhận định được tần suất của rủi ro nhưng không đánh giá được mức độ nghiêm trọng của những rủi ro này đối với hiệu quả chuỗi cung ứng.

  • Unknown Unknowns

Những rủi ro ở cấp độ này cần được quan tâm nhiều nhất vì chúng bị hạn chế ở cả 2 yếu tố mức độ ảnh hưởng và tần suất của rủi ro. Đây là nhóm các rủi ro mà doanh nghiệp thường dành nhiều thời gian và năng lực để khắc phục chúng trở thành nhóm rủi ro dễ nhận dạng và đánh giá mức độ ảnh hưởng hơn, từ đó cải thiện được năng lực quản trị rủi ro chuỗi cung ứng.

Phân loại theo tính chất của ro

Với cách phân loại này, rủi ro sẽ được chia thành 5 nhóm chính bao gồm: rủi ro về giá, rủi ro về chất lượng, rủi ro vận chuyển, rủi ro về pháp lý, rủi ro về danh tiếng.

  • Rủi ro về giá

Rủi ro giá thành chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố chính: lạm phát và biến động. Việc tăng giá đột ngột có thể ảnh hưởng lớn đến các thị trường dễ bị tác động. Nhân tố thứ hai liên quan đến rủi ro giá thành là biến động thị trường. Tình trạng này diễn ra khi thị trường thay đổi nhanh, đột ngột khó dự đoán. Khi thị trường biến động, trượt giá có thể diễn ra bất ngờ, đồng thời việc hoạch định kế hoạch cũng khó khăn hơn. 

  • Rủi ro về chất lượng

Nhóm các rủi ro này ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa trong quá trình vận hành chuỗi cung ứng như: sản xuất, bảo quản, vận chuyển. Rủi ro chất lượng có thể diễn ra vì một nguyên nhân đơn giản (ví dụ thùng đựng hàng dính nước và bị móp) nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng (bao bì đóng gói không sử dụng được, dẫn đến đình trệ dây chuyền sản xuất).

  • Rủi ro về vận chuyển

Rủi ro vận chuyển có thể tác động đến hoạt động kinh doanh theo 3 cách sau đây: không chuyển hàng, chuyển hàng sớm hoặc muộn do những vấn đề xảy ra trong quá trình vận chuyển như tai nạn, tắc nghẽn giao thông, phương tiện hư hỏng,… Quản lý các rủi ro này có ý nghĩa khá quan trọng, doanh nghiệp cần nhận thức được các biến động, thay đổi có thể làm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, từ đó tăng cường năng lực phản ứng của mình.

  • Rủi ro về pháp lý

Khi nhà cung cấp vi phạm pháp luật, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có thể bị liên đới. Ví dụ, theo Đạo luật Chống hối lộ của Anh, khi một nhà cung ứng phạm tội tham nhũng trong quá trình kinh doanh, khách hàng của công ty đó có thể phải chịu các án phạt tài chính nặng nề. Vì thế, khi ký kết hợp đồng, các công ty cần bổ sung các điều khoản giúp bảo vệ mình trước các rủi ro pháp lý từ bên cung ứng.

  • Rủi ro về danh tiếng

Đây là loại rủi ro khó lường nhất. Rủi ro này liên quan mật thiết đến quan điểm của công chúng về doanh nghiệp. Danh tiếng của một công ty có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cộng đồng cho rằng công ty đang vi phạm một vấn đề đạo đức nào đó, hay thậm chí vi phạm luật pháp. Những kỳ vọng của khách hàng đối với một tổ chức cũng có thể gây ra những rủi ro cho doanh nghiệp, ví dụ quá trình sản xuất của một doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sẽ ảnh hưởng danh tiếng của doanh nghiệp đó, khi các khách hàng ngày càng đề cao yếu tố về môi trường khi quyết định chọn mua hàng của một thương hiệu. 

Phân loại dựa trên các mảng chức năng trong chuỗi cung ứng

Với cách phân loại này, doanh nghiệp sẽ quản lý các nhóm rủi ro theo từng giai đoạn hay các mảng chức năng trong chuỗi cung ứng bao gồm Plan, Source, Make, Deliver.

Nguồn: Mckinsey

  • Plan:

Bao gồm các rủi ro xảy ra trong quá trình thu thập dữ liệu và đưa ra dự báo nhu cầu kém. Từ đó lập kế hoạch cung ứng không hiệu quả, ảnh hưởng đến các giai đoạn tiếp theo như mua hàng và sản xuất dư, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp hoặc ngược lại không đủ hàng hóa để giao cho khách hàng. 

  • Source:

Ở giai đoạn này, những rủi ro có thể xảy ra bao gồm các vấn đề liên quan đến nguồn cung cấp, khi người mua không tìm được nguồn hàng có thể đáp ứng đủ các tiêu chí mà doanh nghiệp đặt ra về mặt chi phí, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Không những thế, ở giai đoạn mua hàng, việc phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp, hay những vấn đề trong việc kết nối và quản lý quá nhiều nhà cung cấp cũng dẫn đến những rủi ro cho chuỗi cung ứng. 

  • Make:

Đây là nhóm các rủi ro gây ra gián đoạn trong quá trình vận hành sản xuất như máy móc hư hỏng gây ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm cũng như là kéo dài thời gian giao hàng.

  • Deliver:

Những rủi ro xảy ra trong quá trình vận chuyển như tai nạn, hư hỏng phương tiện vận chuyển, kẹt xe,… hay những vấn đề xảy ra trong hoạt động tổ chức và quản lý kho hàng không hiệu quả khiến quá trình lấy hàng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thời gian chậm trễ.

Trên thực tế, các chức năng trong chuỗi cung ứng là một quy trình nối tiếp nhau, đầu ra của chức năng này là đầu vào của chức năng kế tiếp. Vì thế, chỉ cần một tác động nhỏ trong một giai đoạn cũng sẽ kéo theo hàng loạt rủi ro cho các hoạt động tiếp theo. 

Vd: Rủi ro trong quá trình dự báo nhu cầu sẽ làm trì trệ và gây ra rủi ro cho chuỗi các hoạt động phía sau như, mua thiếu hoặc thừa nguyên liệu dẫn đến sản xuất thiếu hoặc tốn nhiều nguồn lực để sản xuất nhưng không mang lại hiệu quả kinh doanh. 

Tạm kết:

Quản trị rủi ro là hoạt động không thể thiếu trong quá trình vận hành chuỗi cung ứng. Tuy nhiên để quản trị hiệu quả, bản thân doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất của rủi ro và nguyên nhân gây ra rủi ro đó là gì. Và quan trọng hơn hết là biết được cách phân loại các rủi ro quản lý dễ dàng và hiệu quả hơn.

Bài viết trên đây chỉ đề cập đến 3 cách phân loại cơ bản nhất, doanh nghiệp sẽ chọn được cách phân loại phù hợp dựa trên đặc điểm và cơ cấu của mỗi doanh nghiệp. Hoặc có thể kết hợp cả 3 cách phân loại để có được giải pháp quản lý tối ưu nhất.

Tham khảo Chương trình đào tạo: Quản trị Chuỗi cung ứng – 

Suppply Chain Mangement

Hội thảo: “Enhanced Efficiency Distribution Cost Optimization With Genai Application