Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, nhiều báo cáo nghiên cứu thị trường bán lẻ đều đưa ra những con số tăng trưởng dương cho khoảng thời gian 10 năm tiếp theo đó. Dù lạm phát và biến động kinh tế làm con số dự đoán thay đổi theo chiều hơi xấu đi, nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam không vì thế mà kém sôi động trong những năm gần đây. Bài viết sau đây sẽ tập trung bàn về mô hình cửa hàng tiện ích vốn đang phát triển nhanh tại các đô thị lớn.
Đôi nét về đặc điểm thị trường bán lẻ Việt Nam
Lướt qua các báo cáo của PricewaterhouseCooper (PwC), AC Nielson, RNCOS về tình hình tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam, chúng ta sẽ nhận thấy một vài điểm tương đồng khi nói về đặc điểm của thị trường mới nổi nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng:
- Độ lớn của thị trường bán lẻ phụ thuộc nhiều vào việc tăng thu nhập và tiêu dùng của tầng lớp trung lưu.
- Mối quan tâm ngày càng tăng về sức khỏe và chất lượng cuộc sống ngày càng cao.
- Trung tâm các thành phố lớn là nơi tạo ra gần 80% giá trị thị trường với mật độ dân cư đông đúc và mức sống liên tục tăng.
- Tuy nhiên, nhiều khu đô thị mới thành lập với tầng lớp dân cư đa dạng tạo thành những cơ hội mới cho những ai nhanh chân và có cách tiếp cận phù hợp.
- Khả năng tiếp cận với các phương tiện truyền thông tăng, dẫn đến sự hình thành nhiều kênh bán lẻ mới.
Như vậy, đã qua rồi những băn khoăn về việc liệu Walmart có xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam hay không? Thay vào đó sẽ là: Liệu những nhà bán lẻ hiện tại sẽ có những cải tiến như thế nào để vừa tinh gọn bộ máy để cạnh tranh hiệu quả, và vừa đủ nhanh chân để mở rộng phạm vi kinh doanh cùng với tốc độ phát triển của thị trường?
Mô hình cửa hàng tiện ích của quá khứ
Đối với các chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị xuyên suốt ở Việt Nam, các mặt hàng tiêu dùng nhanh và phi thực phẩm (Nonfood) thường có chuỗi cung ứng rất ngắn khi các cửa hàng chịu trách nhiệm dự đoán số lượng bán hàng, đặt hàng trực tiếp đến nhà cung cấp và làm việc trực tiếp về những vấn đề liên quan đến việc trả hoặc thu hồi hàng hóa. Tương tự như vậy, nhà cung cấp sẽ tùy vào khả năng giao hàng theo vùng của mình để làm việc về giá và cách thức giao hàng. Mô hình này đã được sử dụng từ những ngày đầu thành lập hệ thống siêu thị. Bên cạnh ưu điểm dễ thấy của hệ thống là sự thuận tiện trong quản lý, mô hình có những điểm yếu đang ngày càng bộc lộ khi thị trường cạnh tranh ngày càng cao và phát triển ngày càng nhanh:
- Mô hình cũ đòi hỏi các cửa hàng phải có khu vực kho bãi rộng lớn với đội ngũ quản lý riêng biệt. Điều này không còn phù hợp khi quỹ đất ở khu vực trung tâm thành phố không còn cho phép cửa hàng có diện tích đủ rộng để vừa có khu vực trưng bày hàng hóa rộng rãi, vừa có khu vực kho bãi được sắp xếp và quản lý đủ chuẩn.
- Mô hình cũ phụ thuộc nhiều vào mạng lưới cung ứng hàng hóa của nhà cung cấp. Điều này dẫn đến 2 hệ quả: Thứ nhất – quyền lực đàm phán giá cả và các điều kiện trong hợp đồng thu mua bị hạn chế; Thứ hai – khi nhà bán lẻ không nắm giữ trong tay quyền kiểm soát dòng chảy hàng hóa, những vấn đề như đứt hàng đột xuất hoặc nhà cung cấp từ chối giao hàng cho những cửa hàng nằm ngoài khu vực giao hàng tối ưu sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Những yếu điểm này sẽ có trọng số và ảnh hưởng nhiều hơn đối với những cửa hàng có diện tích kinh doanh nhỏ như những cửa hàng tiện lợi đang là nhu cầu phát triển hiện nay. Chính vì những điểm yếu này mà mô hình những cửa hàng tiện lợi hiện tại chỉ tập trung ở khu vực rất nhỏ, ngay trung tâm thành phố và chủ yếu kinh doanh những mặt hàng có biên lợi nhuận cao để phục vụ khách du lịch và khách hàng có thu nhập cao.
Lộ diện mô hình cửa hàng tiện ích của tương lai
Những hạn chế trước đây có thể chấp nhận được, đang là những rào cản hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong những năm sắp tới. Một cửa hàng diện tích khoảng 500m2 không thể có một kho có diện tích lớn hơn 20m2. Những khu dân cư mới liên tục phát triển, những cửa hàng sắp tới không thể tiếp tục phụ thuộc vào khả năng giao hàng của nhà cung cấp nữa. Và quan trọng hơn tất cả, là nhà bán lẻ cần phải xây dựng quyền lực lớn hơn với nhà cung cấp bằng cách: dấn thân sâu hơn một bước vào chuỗi cung ứng, thiết lập chuỗi cung ứng của riêng mình và chủ động hơn trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định và chất lượng cao cho những cửa hàng của mình.
Bài toán mới được đưa ra, và trong quá trình nghiên cứu kinh nghiệm của những thị trường đi trước, lời giải có vẻ khá rõ ràng.
- Nhà bán lẻ sẽ có một kho tổng cho từng vùng và sẽ quản lý hệ thống vận tải để giao hàng cho các cửa hàng. Với sự sắp xếp như vậy, quy trình đặt hàng và giao nhận hàng hóa cũng sẽ có nhiều thay đổi.
- Thành viên trong phòng supply chain sẽ dựa vào thông tin về tồn kho hằng ngày đặt hàng đến nhà cung cấp theo số lượng dự báo (đối với hàng mới) và doanh số (đối với hàng đang kinh doanh) và trữ hàng về kho.
- Hằng ngày, với lịch đặt hàng cụ thể, các cửa hàng sẽ đặt hàng về kho và bộ phận quản lý chuỗi cung ứng sẽ tiến hành điều phối phương thức vận chuyển phù hợp.
Với cách sắp xếp và vận hành như trên, nhà bán lẻ sẽ khắc phục được những yếu điểm của mô hình cũ như cửa hàng sẽ không phải đầu tư nhân lực, không gian và vật dụng trong kho cho những cửa hàng sắp tới; cũng như nhà bán lẻ cũng không còn phụ thuộc vào năng lực của NCC trong việc vận chuyển hàng hóa nữa. Và như thế, quyền lợi của nhà bán lẻ trong quá trình đàm phán sẽ cao hơn. Quyền lợi ở đây không chỉ giới hạn ở mức giá và chiết khấu nhà cung cấp dành cho nhà bán lẻ, mà đó còn được thể hiện ở sự ưu tiên hàng hóa, hàng khuyến mãi, ưu tiên trong vấn đề đổi trả hoặc thu hồi những mặt hàng có thay đổi về mẫu mã. Và tất cả những quyền lợi này sẽ ảnh hưởng đến sự xuyên suốt trong chuỗi cung ứng và năng lực cạnh tranh trên thị trường của nhà bán lẻ cũng theo đó mà tăng lên.
Theo như phân tích ở trên về những lợi ích mô hình chuỗi cung ứng mới có thể mang lại cho nhà bán lẻ, những yếu điểm của mô hình cũ có vẽ như đã được giải quyết. Tuy nhiên liệu mô hình mới có phải là giải pháp cho tất cả các khó khăn và liệu nó có phải là một mô hình hoàn hảo mà các nhà bán lẻ nên hướng tới?
Câu trả lời sẽ phụ thuộc rất nhiều vào độ chín mùi của thị trường cũng như tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm của những nhà bán lẻ đương thời. Bên cạnh những lợi ích kể trên, việc thay đổi mô hình chuỗi cung ứng sẽ làm phát sinh những vấn đề khác, nếu doanh nghiệp chuyển đổi mà không có những bước chuẩn bị về mặt quy trình và phương pháp quản lý chặt chẽ, sự đỗ vỡ và đứt gãy về dòng chảy hàng hóa là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra.
Các vấn đề phát sinh
Chuỗi cung ứng phát sinh thêm một đối tượng là một tổng kho giữa cửa hàng và nhà cung cấp. Vấn đề phát sinh đầu tiên sẽ là, làm thế nào để thiết kế một kho với những quy trình lấy hàng chính xác với hiệu suất cao, đảm bảo môi trường lưu trữ phù hợp và một hệ thống kế toán mới để theo dõi giá trị hàng hóa thay đổi mỗi ngày của kho.
Ngoài ra việc có thêm một tổng kho sẽ khiến chuỗi cung ứng kéo dài hơn về mặt thời gian lưu trữ, và vận chuyển; theo đó, các vấn đề liên quan đến tuổi thọ của hàng hóa như hàng lỗi thời, hàng quá hạn sử dụng, hàng lỗi do tình trạng lưu trữ và vận chuyển kém sẽ phát sinh với tần suất cao hơn.
Quan trọng hơn việc quản lý kho bãi và quản lý hệ thống vận chuyển là khả năng quản lý thông tin liên quan đến các nghiệp vụ giao, nhận, trả và hủy hàng giữa nhà cung cấp, kho và cửa hàng. Việc quản lý thông tin, dự báo số lượng đặt hàng và việc bắt đầu thiết lập các quy trình liên quan đến việc giao nhận hàng trở thành một công việc quan trọng trong quá trình hình thành mô hình chuỗi cung ứng mới cho nhà bán lẻ. Ngoài ra, do tất cả các quyết định liên quan đến việc hàng hóa đều phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin trên hệ thống, sự sai lệch thông tin giữa hệ thống và thực tế; giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng sẽ gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến việc ra quyết định và theo đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tất cả các thành viên trong chuỗi.
Như vậy, trong những ngày đầu đưa mô hình chuỗi cung ứng mới này vào hoạt động, doanh nghiệp sẽ chứng kiến rất thường xuyên những vấn đề trên, và dòng chảy hàng hóa sẽ nhiều lần bị gián đoạn do thiếu kinh nghiệm quản lý hoặc quy trình xây dựng chưa thông suốt. Tuy nhiên, quá trình doanh nghiệp dần khắc phục vấn đề cũng là quá trình doanh nghiệp tiến gần đến một mô hình chuỗi cung ứng hiệu năng hơn với dòng chảy hàng hóa và dòng chảy thông tin thong suốt hơn
Các đối trọng và quyết định cuối cùng
Như vậy mô hình mới rõ ràng là có những ưu điểm đi kèm với khuyết điểm. Doanh nghiệp phải có khả năng đánh giá tiềm lực của mình cũng như thiết lập một quyết tâm lớn trước khi đi trên con đường chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và cản trở này.
Khi bài toán đưa ra không còn đơn giản là các vấn đề về kho bãi, về nhà cung cấp hay về hệ thống logistics riêng biệt, thay vào đó là một chuỗi các quy trình được liên kết chặt chẽ với nhau. Những thay đổi ở quy trình này có thể sẽ làm tăng công việc cho một thành viên, đồng thời giảm công việc cho tất cả các thành viên còn lại trong chuỗi. Với điểm đặc trưng như vậy, để thành công trong việc xây dựng mô hình mới này, doanh nghiệp không thể chỉ tập trung xây dựng đội ngũ các chuyên gia với chuyên môn về quản lý kho, quản lý hệ thống vận tải, logistics mà còn đòi hỏi một đội ngũ có khả năng vượt lên các hoạt động có tính lặp lại hằng ngày để có một tầm nhìn tổng quát và có khả năng phân tích cải tiến toàn bộ hệ thống đó.
Ngoài ra, trước khi đưa ra quyết định xây dựng mô hình mới, doanh nghiệp cần phải cân nhắc liệu ở quy mô như thế nào thì mô hình mới này sẽ phát huy hiệu quả, đủ để bù đắp chi phí và công sức cho cả quá trình đầu tư và chuyển đổi? Câu trả lời sẽ đòi hỏi những nghiên cứu với kết quả định lượng nhằm tạo ra những cột mốc khởi điểm, giúp doanh nghiệp có những bước khởi đầu vững chắc. Những nghiên cứu đó sẽ bao gồm những thông tin và số liệu liên quan đến lợi nhuận, chi phí và có thể đó sẽ là đề tài hay cho những bài viết sắp tới.
Nguồn: Retail Magazine