Supply Chain

Bạn biết gì về Chuỗi cung ứng nhanh nhạy (Agile Supply Chain)?

Chuỗi cung ứng nhanh nhạy có thể nắm bắt và đáp ứng (sense and response) những thay đổi về cầu một cách nhanh chóng, dễ dàng, trong tầm dự đoán và với chất lượng cao.

Chuỗi cung ứng nhanh nhạy (Agile Supply Chain)

Thật dễ nhận ra và đồng ý rằng sự nhanh nhạy trong chuỗi cung ứng là rất cần thiết, nhưng cũng thật khó để đồng thuận về bản chất thực sự hay cách đo lường một chuỗi cung ứng nhanh. Vấn đề này có 3 khía cạnh: có rất nhiều cách hiểu về sự nhanh nhạy, những cách hiểu này rối và mâu thuẫn, và không có gì ràng buộc về việc đưa ra cách đo lường, đánh giá chuỗi cung ứng nhanh.

Khi gạt ra ngoài những lời đối thoại dài dòng thì ý chính của những buổi họp và thảo luận thường xoay quanh những vấn đề về tính linh hoạt, tốc độ của chuỗi cung ứng hay sản xuất tinh giản hoặc những tính chất tương tự. Tuy nhiên cho dù có muốn đẩy nhanh chuỗi cung ứng đến đâu thì khách hàng cũng sẽ không bao giờ quên đòi hỏi việc chứng minh tính hiệu quả của chuỗi cung ứng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra những khái niệm và đề xuất một số cách thức đo lường hiệu quả chuỗi cung ứng nhanh.

 

Supply Chain Management

 

Định nghĩa trong từ điển của từ “nhanh” gợi đến những liên tưởng về sự chuyển động nhanh, dễ dàng, nhẹ nhàng; linh hoạt.

Làm thế nào để những cụm từ “di chuyển nhanh, dễ dàng”, “nhẹ nhàng”, “linh hoạt” chuyển ngữ vào quản trị chuỗi cung ứng? Các công ty cần luôn linh động nhanh nhẹn và nhịp nhàng đồng nhịp với sự thay đổi của nhu cầu trên thị trường. Dưới dây là bốn nguyên tố tạo nên chuỗi cung ứng nhanh mà nếu thiếu một trong bốn thì định nghĩa sẽ không còn hoàn hảo.

  • Tốc độ:

Đầu tiên luôn luôn phải kể đến tốc độ, đó là sự nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng mới hình thành và phát tín hiệu hiệu quả để có được phản xạ thông minh từ chuỗi cung ứng. Ví dụ, mất bao lâu để một công ty – không chỉ bộ phận marketing mà cả chuỗi cung ứng – nhận biết được nhu cầu mới sau khi nhu cầu này hình thành ở người tiêu dùng trên thị trường? Và mất bao lâu thì chuỗi cung ứng của công ty bắt đầu hoạt động cho nhu cầu này.

  • Dễ dàng:

Khác với tốc độ, yếu tố này còn xét đến độ nhanh nhạy của công ty khi mà mọi việc không diễn ra như dự kiến, công ty có dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi và có phản hồi ngay không. Chuỗi cung ứng nhanh nhạy nhất là chuỗi cung ứng được thiết kế để có thể linh hoạt thích ứng với những biến động và thay đổi về cầu không lường trước được. Chúng cũng có một số hạn chế và được thiết kế theo cơ chế bổ sung kéo (pull-based replenishment)

  • Khả năng dự đoán được:

Phản ứng của chuỗi cung ứng luôn phải được dự đoán trước. Không thể lúc thì nhanh chóng nắm bắt và đáp ứng nhu cầu khách hàng, lúc thì chậm chạp. Thực tế khả năng dự đoán có khi còn quan trọng hơn tốc độ. Khách hàng sẽ thích một công ty mà có thể luôn luôn đáp ứng nhu cầu của họ trong ba ngày hơn là một công ty khi thì làm được điều đó trong một ngày, khi thì phải mất đến sáu ngày.

  • Chất lượng:

Và đương nhiên chất lượng lúc nào cũng phải được đảm bảo. Một chuỗi cung ứng nhanh nhạy, dễ dàng nắm bắt và phản hồi nhu cầu nhưng chất lượng cung ứng kém không thể gọi là chuỗi cung ứng nhanh nhạy.

Tóm tắt lại những gì đã mô tả là một chuỗi cung ứng có khả năng nắm bắt và đáp ứng biến động về cầu một cách nhanh chóng, dễ dàng, trong tầm dự đoán, có chất lượng cao. Đó là một chuỗi cung ứng luôn vững vàng, có khả năng phục hồi cao khi tình thế trở nên bấp bênh và biến động.

 

Sau đây là một dẫn chứng về chuỗi cung ứng nhanh của công ty về Giải trí gia đình Disney’s Buena Vista trong một tình thế biến động.

Disney đã thành công trong việc bổ sung bản DVD mới trong vòng 2 ngày bằng một chuyến hàng đi thẳng. Nhu cầu thực sự của khách hàng rất khó đoán: chỉ sau 10 ngày ra mắt, 70 phần trăm đĩa mới đã bán hết sạch. Đáp ứng nhu cầu này không phải dễ khi mà có thêm đòi hỏi phải có những bao bì khác nhau theo yêu cầu của khách hàng và những gói khuyến mại. (Ví dụ: Bìa DVD phim Câu chuyện cá mập bán ở Wal-Mart hoàn toàn khác với đĩa bán ở Target). Disney đã dùng cách phân phối thẳng nơi bán là những cửa hàng. Áp dụng nguyên tắc trì hoãn (postponement), một hệ thống từ 6 đến 8 nhà phân phối chép đĩa DVD theo yêu cầu để giao theo chuyến hàng nhanh trong vòng 2 ngày thẳng đến các cửa hàng.


Tham khảo: Chuỗi cung ứng lạnh (Cold Chain)


Cách thức đánh giá chuỗi cung ứng nhanh

Làm sao biết được một chuỗi cung ứng có “nhanh” hay không? Dựa vào đâu để luôn luôn đánh giá được một chuỗi cung ứng có nhanh nhạy, dễ dàng nắm bắt và đáp ứng nhu cầu trong tầm dự đoán và có chất lượng cao? Sau đây là những phương pháp đề xuất để đánh giá được từng yếu tố của chuỗi cung ứng nhanh đã nêu ở trên

Tốc độ và khả năng dự đoán:

Cách tính vòng thời gian đầu cuối – từ lúc sourcing, sản xuất, làm hàng, cho đến phân phối và giao hàng – có thể áp dụng để đo lường tốc độ và khả năng dự đoán. Điểm giữa hay điểm trung bình của vòng thời gian có thể cho thấy tốc độ của chuỗi cung ứng. Độ lệch thời gian chuẩn và thời gian thực tế cho thấy được khả năng dự đoán trước của việc phản hồi cũng như của toàn bộ quy trình.

Hãy xem xét 2 trường hợp:

Công ty X có điểm giữa thời gian chuỗi cung ứng là 4 ngày nhưng thời gian thực tế của vòng cung ứng biến động từ 2-12 ngày. Công ty Y có điểm giữa thời gian chuỗi cung ứng là 5 ngày nhưng thời gian thực tế chỉ từ 4-6 ngày. Rõ ràng công ty Y có khả năng dự đoán thời gian giao hàng tốt hơn nên khách hàng thích làm với họ hơn mặc dù chuỗi cung ứng của họ chậm hơn công ty X 1 ngày.

Dễ dàng

Trở ngại lớn nhất cho tính linh hoạt của chuỗi cung ứng chính là tính phức tạp và nhiều hạn chế. Cách thứ nhất là đo lường những hạn chế tại mỗi mắc xích trong chuổi cung ứng như: lượng lao động, nguyên vật liệu, hay sức ép về năng lực sản xuất trong kế hoạch sản xuất tổng thể, lượng thời gian đã cố định trong kế hoạch và thiết kế quy trình sản xuất và phân phối để đảm bảo cho chiến lược hoãn (postponement strategy)

Một khả năng khác để đánh giá kết quả của quy trình “khó”. Nếu thực sự là “khó” thì có nghĩa là luôn có những sự can thiệp như vận hành hoặc quy trình bị phá vỡ, sự thay đổi so với kế hoạch dẫn đến tăng chi phí.

Như vậy, chi phí có thể là thước đo tốt. Một chuỗi cung ứng nhanh không nhất thiết phải có chi phí thấp nhất, nhưng sự phản hồi của chuỗi cung ứng này không phải là một sự lãng phí các nguồn lực. Liên kết với các thước đo khác, sự tính toán chính xác chi phí của cả chuỗi cung ứng cũng cho thấy đó có thật sự là chuỗi cung ứng nhanh hay không.

Khả năng thứ ba, vận dụng cả hai cách trên, là nhìn vào mức biến động của chi phí cố định. Chi phí cố định chính là sức ép cho chuỗi cung ứng. Mức chi phí cố định được biến động càng lớn thì mức linh hoạt của công ty trong việc đáp ứng biến động về cầu càng cao.

Chất lượng

Có thể xem xét chất lượng tại các mắt xích chính trong chuỗi cung ứng: nhà cung cấp, sản xuất, giao hàng.

Bài toán là bốn yếu tố này thay đổi như thế nào khi dự đoán cầu bị sai về chủng loại hàng hoặc kênh bán hàng. So sánh mức thay đổi của vòng thời gian với mức thay đổi của dự đoán về cầu sẽ cho thấy được đánh giá về chuỗi cung ứng của công ty.

Nếu chuỗi cung ứng có thể đáp ứng được thay đổi lớn của cầu mà vòng thời gian chỉ bị thay đổi rất ít thì chuỗi cung ứng của công ty có sự phản hồi rất nhanh và trong tầm dự đoán. Và nếu giữ được cả chí phí không bị tăng nhiều và chất lượng tốt thì đó chính là chuỗi cung ứng nhanh.

Điều tuyệt vời là những công thức này rất chuẩn cho các chuỗi cung ứng, có thể áp dụng theo nhìều cách khác nhau. Những công ty không ngừng phát triển và luôn biết đánh giá chuỗi cung ứng chắc chắn đã có những con số này.

Tính nhanh nhạy của một công ty trong việc nắm bắt và phản hồi nhu cầu một cách nhanh chóng, dễ dàng, có dự tính và với chất lượng cao sẽ trở nên hết sức quan trọng khi mà sự cạnh tranh trên toàn cầu ngày càng gay gắt, phức tạp và bất ổn.

Trong khi các công ty luôn nỗ lực nâng cấp chuỗi cung ứng nhanh của chính họ, họ cũng nên mở rộng tầm nhìn đến những đối tác của mình. Khả năng cạnh tranh của một công ty không những phụ thuộc vào tính nhanh nhạy của công ty đó mà còn phụ thuộc vào sự nhanh nhạy của những đối tác không thể thiếu của họ. Những người chíến thắng sẽ là những công ty thuộc về hệ thống nhanh nhạy nhất.

 

Nguồn www.scmr.com

 


Xem thêm các Chương trình đào tạo về Chuỗi cung ứng

Learn more about us!!!