Mô hình SCOR Supply Chain

Quy mô áp dụng của Mô hình tham chiếu chuỗi cung ứng SCOR (Scope of SCOR)

Quy mô áp dụng của Mô hình tham chiếu vận hành chuỗi cung ứng SCOR

Khái niệm về Chuỗi cung ứng đã xuất hiện từ những năm 60 thế kỷ 20. Tuy nhiên, mãi đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào những năm 1990, “Quản lý chuỗi cung ứng” mới được đề cập một cách rộng rãi trên toàn cầu. Xu hướng này phản ảnh sự phát triển vượt bậc của hoạt động quản trị ở quy mô quốc tế nhờ vào sự bùng nổ công nghệ và kỹ thuật số. Điều đó khiến phạm vi quản lý chuỗi cung ứng vươn ra xa hơn biên giới của một quốc gia, kèm theo nhiều cơ hội cũng như thách thức. Thế nên, việc nghiên cứu về Quản lý chuỗi cung ứng không ngừng được thực hiện với mục tiêu phát triển những công cụ, thuật toán giúp cho việc điều hành chuỗi cung ứng trở nên hiệu quả và tối ưu hơn.

Những vấn đề trong việc quản lý chuỗi cung ứng quy mô toàn cầu

Những nghiên cứu này xoay quanh 3 vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu:

  1. Vận hành: Tập trung vào những vấn đề liên quan đến hoạt động hằng ngày của hệ thống cơ sở vật chất (nhà máy, kho, trung tâm phân phối, …) để đảm bảo việc thực hiện đơn hàng của khách hàng được hoàn thành một cách hiệu quả nhất. Những hoạt động này bao gồm quản lý tồn kho, sản xuất, lập kế hoạch và lên lịch trình.
  2. Thiết kế: Tập trung vào những điểm ra quyết định trong quy trình và mục tiêu của doanh nghiệp. Mô hình tốt phải tích hợp nhiều yếu tố của chuỗi cung ứng và tối ưu hoá toàn bộ chuỗi thay vì từng chức năng riêng biệt. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cấu trúc thiết kế của chuỗi. Hệ thống thông tin đòi hỏi sự nỗ lực hợp tác chặt chẽ của cả kỹ sư và nhà quản lý (Lee et al., 1993).
  3. Chiến lược: Quản trị chiến lược được thực hiện hầu hết bởi các nhà quản lý cấp cao. Đây là các chuyên gia có sự hiểu biết về đa dạng chuỗi cung ứng và nắm rõ mục tiêu của toàn chuỗi. Việc đưa ra chiến lược bao gồm quá trình đánh giá các cấu hình quan trọng của những lựa chọn chuỗi cung ứng thay thế, đánh giá đối tác và xác định các cơ hội có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của công ty.

Có khá nhiều mô hình phân tích bắt nguồn từ các nguyên tắc kinh doanh và kỹ thuật thông thường, đã được đề xuất để xử lý các vấn đề về vận hành và thiết kế chuỗi cung ứng (Chopra, 2018). Tuy nhiên, các mô hình tham chiếu cho các quyết định chiến lược, giải quyết vấn đề của toàn bộ chuỗi cung ứng nói chung rất khan hiếm. Theo như khảo sát từ A review and analysis of supply chain operations reference, mô hình triển vọng nhất, cung cấp cho nhà quản lý một khung tham chiếu về các quyết định chiến lược trong chuỗi cung ứng, chính là mô hình SCOR.

Theo SCC (1999), mô hình SCOR tích hợp các khái niệm nổi tiếng về tái thiết kế quy trình kinh doanh, đối chuẩn và đo lường hiệu suất vào một khuôn khổ đa chức năng, bao gồm:

  • Mô tả chuẩn các quy trình quản lý;
  • Khuôn khổ về các mối tương quan trong quy trình chuỗi cung ứng;
  • Các chỉ số tiêu chuẩn để đo lường hiệu suất quy trình;
  • Những thực tiễn quản lý nổi bật từ các doanh nghiệp hàng đầu;
  • Các tiêu chuẩn trong sự kết hợp giữa công tác vận hành vật lý với tính năng và chức năng quản lý của phần mềm.

Tất cả năng lực quản lý trên của mô hình SCOR đều xuất phát từ 2 nền tảng:

  • Thứ nhất – Cấu trúc thiết kế của mô hình SCOR
  • Thứ hai – Phạm vi quản lý của mô hình SCOR

Quy mô áp dụng của Mô hình Tham chiếu SCOR

Nếu tìm hiểu về cấu trúc thiết kế của SCOR giúp nhà quản lý nắm bắt được sự kết hợp và tối ưu chuỗi cung ứng dựa trên 4 trụ cột về hiệu suất, quy trình, thực tiễn và con người, thì hiểu biết về phạm vi của mô hình tham chiếu SCOR sẽ mang lại một tư duy hệ thống quy trình chuỗi cung ứng dựa trên 6 quy trình quản lý là Plan, Source, Make, Deliver, Return và Enable.

 SCOR is organized around six major management processes

SCOR is organized around six major management processes

Mô hình SCOR minh hoạ chuỗi cung ứng bằng cách kết hợp các khối quy trình trên. Theo đó:

  • Khối Plan có chức năng bao quát toàn chuỗi, trải từ nhà cung cấp của nhà cung cấp đến khách hàng của khách hàng;
  • Các khối Source, Make, Deliver và Return là những quy trình kết nối chặt chẽ với nhau cũng như kết nối với khối Deliver và Return của các đối tác cung cấp; kết nối với khối Source và Return của các khách hàng;
  • Khối Enable của mỗi tổ chức sẽ chịu trách nhiệm thiết lập, duy trì và giám sát thông tin, mối quan hệ, nguồn lực, tài sản, quy tắc kinh doanh và các điều luật, thoả thuận cần thiết để vận hành chuỗi cung ứng. Có thể hiểu, Enable là các quy trình hỗ trợ cho việc thực hiện và quản trị các quy trình Plan, Source, Make, Deliver và Return của chuỗi cung ứng.

Độ phủ của mô hình SCOR

Các quy trình trong mô hình SCOR bao phủ tất cả các tương tác của khách hàng (từ đặt hàng đến thanh toán), tất cả các giao dịch hàng hoá (từ giao dịch của nhà cung cấp của nhà cung cấp đến khách hàng của khách hàng liên quan đến thiết bị, vật tư, phụ tùng, sản phẩm, phần mềm) và tất cả các tương tác trong thị trường (từ sự thay đổi của tổng cầu đến việc hoàn thành mỗi đơn hàng).

Tuy nhiên, mô hình SCOR không mô tả tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mô hình không đề cập đến hoạt động thúc đẩy nhu cầu (Marketing & Sales), phát triển sản phẩm (Product Development), nghiên cứu và phát triển (Research and Development – R&D), hoặc các dịch vụ hậu mãi (Post-delivery customer support). Vì thế, SCOR được xem là một công cụ quản lý, mô hình tham chiếu cho các Chuỗi cung ứng của mọi mô hình kinh doanh trên toàn Thế Giới và là một yếu tố quan trọng trong APICS Framework Portfolio.

APICS Frameworks and relationships; credit: Ericsson, Lars Magnusson

APICS Frameworks and relationships; credit: Ericsson, Lars Magnusson

Theo SCOR Model phiên bản 12.0, mô hình SCOR về chuỗi cung ứng cùng với mô hình PLCOR về Quản lý sản phẩm, CCOR về Sales và DCOR về thiết kế đã tạo nên một chuỗi giá trị hoàn chỉnh cho hoạt động kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Điều quan trọng cần lưu ý là mô hình SCOR mô tả các quy trình – không mô tả các chức năng. Nói cách khác, khung tham chiếu vận hành chuỗi cung ứng tập trung vào các hoạt động diễn ra trong chuỗi và không tập trung vào các yếu tố con người, hoặc tổ chức thực hiện hoạt động.

 

Kết lại, SCOR cho phép các chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng có một cái nhìn từ tổng quát đến chi tiết về quy trình xuyên suốt trong chuỗi, trải từ việc quản lý đối tác của đối tác đến khách hành của khách hàng. Trong đó tất cả quy trình đều là độc nhất và vô cùng quan trọng. Vì các quy trình có tính liên kết cung-ứng với nhau nên chúng phải được thực hiện đúng trình tự để đáp ứng những mục tiêu hiệu suất, từ đó, đáp ứng nhu cầu từ thị trường một cách hoàn hảo nhất.

 

Nguồn tham khảo

  1. CHOPRA, S. (2018). SUPPLY CHAIN MANAGEMENT. PEARSON EDUCATION Limited.
  2. Huan, S., Sheoran, S., & Wang, G. (2004). A review and analysis of supply chain operations reference (SCOR) model. Supply Chain Management: An International Journal, 9(1), 23-29. https://doi.org/10.1108/13598540410517557
  3. Lee, H., Billington, C., & Carter, B. (1993). Hewlett-Packard Gains Control of Inventory and Service through Design for Localization. Interfaces, 23(4), 1-11. https://doi.org/10.1287/inte.23.4.1
  4. SCOR version 12.0. Apics.org. (2017). Retrieved 9 July 2021, from http://www.apics.org/docs/default-source/scor-training/scor-v12-0-framework-introduction.pdf?sfvrsn=2.

______________________________________

Chuỗi bài viết về Mô hình tham chiếu vận hành chuỗi cung ứng (Supply Chain Operations Reference Model – SCOR Model) gồm 5 chủ đề. Mục tiêu giúp nhân sự, chuyên gia, nhà quản trị trong mọi lĩnh vực hiểu hơn về mô hình SCOR nổi tiếng được vận dụng như một phương pháp, công cụ chuẩn đoán, tham chiếu, đối chuẩn và đánh giá hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết mới sẽ ra mắt vào thứ 6 hằng tuần theo lộ trình cụ thể như sau:

Nâng cao năng lực chuyên môn với 

Chứng Chỉ Quốc Tế APICS về Quản lý Chuỗi Cung Ứng CSCP &CPIM

Learn more about us!!!