Chuỗi cung ứng quốc tế ngày càng trở nên phức tạp hơn. Sự toàn cầu hoá của các doanh nghiệp đã đẩy cạnh tranh giành thị phần giữa các doanh nghiệp lên thành cạnh tranh chuỗi cung ứng (Bolo, 2011).
Sự phát triển của mô hình tham chiếu vận hành chuỗi cung ứng (SCOR Model) đã mở ra một chương mới cho việc quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu. Áp dụng mô hình SCOR, các doanh nghiệp có thể thiết lập chiến lược về chi phí, tối ưu thời gian sản xuất và cải thiện khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng một cách toàn vẹn nhờ vào tính hệ thống chặt chẽ về quy trình chuỗi cung ứng (Kamah, 2012).
Theo phiên bản cập nhật thứ 12 của SCOR Phần hiệu suất hoặc chỉ số của mô hình SCOR tập trung vào việc hiểu biết rõ kết quả (outcomes) của chuỗi cung ứng. Gồm 2 yếu tố sau:
- Thuộc tính hiệu suất (Performance attributes) & Chỉ số hiệu suất (Performance metrics)
- Khái niệm về sự trưởng thành của quy trình.
Thuộc tính hiệu suất (Performance attributes)
Thuộc tính hiệu suất là một nhóm hoặc phân loại các chỉ số được sử dụng để thể hiện một chiến lược cụ thể. Bản thân một thuộc tính không thể được đo lường; nó được sử dụng để thiết lập định hướng chiến lược. Ví dụ: “Sản phẩm X cần dẫn đầu cạnh tranh về độ tin cậy” và “Thị trường A yêu cầu công ty phải nằm trong số 10 nhà sản xuất nhanh nhẹn hàng đầu“. Như vậy, thuộc tính hiệu suất ở đây là “độ tin cậy” và “nhanh nhẹn”. Mô hình SCOR xác định năm thuộc tính hiệu suất như sau:
- Độ tin cậy (Reliability)
- Khả năng đáp ứng (Responsiveness)
- Độ linh động (Agility)
- Chi phí (Cost)
- Độ hiệu quả quản lý tài sản (Asset Management Efficiency (‘Assets’))
Độ tin cậy (Reliability)
Thuộc tính độ tin cậy đề cập đến khả năng thực hiện các tác vụ theo yêu cầu. Thuộc tính này tập trung vào khả năng dự đoán kết quả của một quá trình trong việc làm hài lòng khách hàng. Ví dụ: thời gian giao hàng theo hợp đồng mua bán giữa công ty A với công ty B là ngày 15/9/2021. Nếu công ty A giao hàng đúng hẹn thì độ tin cậy sẽ là 100%, nếu công ty A giao hàng trễ hẹn hoặc sớm hơn dự tính thì độ tin cậy sẽ <100%. Các chỉ số tiêu biểu cho thuộc tính độ tin cậy bao gồm:
- Đúng giờ;
- Đúng số lượng;
- Đúng chất lượng.
Chỉ số hiệu suất chính SCOR (Key Performance Indicator – KPI) hay chỉ số cấp 1 cho thuộc tính Độ tin cậy:
- Perfect Order Fulfillment
Khả năng đáp ứng (Responsiveness)
Thuộc tính Khả năng đáp ứng (Responsiveness) mô tả tốc độ thực hiện các tác vụ kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Một ví dụ về chỉ số Khả năng đáp ứng chính là thời gian chu kỳ (Cycle Time).
Chỉ số hiệu suất chính SCOR (Key Performance Indicator – KPI) hay chỉ số cấp 1 cho thuộc tính Khả năng đáp ứng:
- Order Fulfillment Cycle Time
Độ linh động (Agility)
Thuộc tính linh động mô tả khả năng phản ứng với các tác động bên ngoài; khả năng và tốc độ thay đổi của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu từ thị trường. Các ảnh hưởng bên ngoài bao gồm:
- Sự gia tăng hoặc giảm xuống không thể dự báo trước của nhu cầu;
- Các nhà cung cấp hoặc đối tác ngừng kinh doanh;
- Thiên tai;
- Các hành động khủng bố (mạng);
- Sự sẵn có của các nguồn lực tài chính (nền kinh tế);
- Các vấn đề lao động.
Chỉ số hiệu suất chính SCOR (key performance indicator – KPI) hay chỉ số cấp 1 cho thuộc tính Độ linh động:
- Flexibility;
- Adaptability;
- Value-at-Risk.
Chi phí (Cost)
Thuộc tính chi phí mô tả chi phí vận hành quy trình của chuỗi cung ứng. Sự tối ưu về chi phí mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp, cụ thể là nhân sự công ty và các cổ đông. Chi phí điển hình bao gồm chi phí nhân công, chi phí vật liệu, chi phí vận chuyển.
Chỉ số hiệu suất chính SCOR (Key Performance Indicator – KPI) hay chỉ số cấp 1 cho thuộc tính Chi phí:
- Total Cost to Serve
Độ hiệu quả quản lý tài sản (Asset Management Efficiency (‘Assets’))
Thuộc tính Hiệu quả quản lý tài sản (‘Assets’) mô tả khả năng sử dụng hiệu quả tài sản của ban quản trị nhằm tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Các chiến lược quản lý tài sản trong chuỗi cung ứng bao gồm giảm hàng tồn kho và sử dụng nguồn lực nội tại thay vì thuê ngoài. Các chỉ số liên quan đến độ hiệu quả trong quản lý tài sản bao gồm:
- Số ngày tồn kho (Inventory days of supply);
- Mức sử dụng công suất (capacity utilization).
Chỉ số hiệu suất chính SCOR (Key Performance Indicator – KPI) hay chỉ số cấp 1 cho thuộc tính Độ hiệu quả quản lý tài sản:
- Cash-to-Cash Cycle Time;
- Return on Fixed Assets.
Chỉ số hiệu suất (Performance metrics)
Để đo lường khả năng đạt được các định hướng chiến lược này, SCOR thiết lập các chỉ số hiệu suất (Performance metrics). Chỉ số SCOR là chỉ số có chức năng chuẩn đoán được phân theo các cấp độ đo lường từ tổng quát đến chi tiết. Có ba cấp độ đo lường mà các nhà phân tích có thể sử dụng từ mô hình SCOR.
Chỉ số hiệu suất SCOR cấp 1
Các chỉ số cấp 1 là chẩn đoán về tình trạng chung của chuỗi cung ứng. Các số liệu này còn được gọi là số liệu chiến lược và các chỉ số hiệu suất chính (KPI). Việc thực hiện đối chuẩn của các chỉ số cấp 1 (Level-1 Benchmarking) giúp nhà quản lý và các chuyên gia thiết lập các mục tiêu thực tế để hỗ trợ các định hướng mang tính chiến lược.
Chỉ số hiệu suất SCOR cấp 2
Các chỉ số cấp 2 đóng vai trò là chỉ số chẩn đoán (Diagnostics) cho các chỉ số cấp 1. Mối quan hệ chẩn đoán này giúp nhà quản lý xác định nguyên nhân gốc rễ hoặc các nguyên nhân gây nên lỗ hổng hiệu suất (Performance Gap) cho chỉ số cấp 1.
Chỉ số hiệu suất SCOR cấp 3
Các chỉ số cấp 3 đóng vai trò là chỉ số chẩn đoán cho chỉ số cấp 2. Tuy có cùng vai trò chuẩn đoán như chỉ số cấp 2 nhưng chỉ số cấp 3 mang tính chi tiết trong quy trình/hoạt động chuỗi cung ứng.
Việc phân tích hiệu suất của các chỉ số từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 được gọi là phân tích chỉ số (Metrics Decomposition), chẩn đoán hiệu suất (Performance Diagnosis) hoặc phân tích nguyên nhân gốc rễ của chỉ số (Metrics Root Cause Analysis). Để phát triển và đổi mới chuỗi cung ứng thì phân tích số liệu là bước đầu tiên trong việc xác định các quy trình cần điều tra chuyên sâu.
Kết lại, các nhà quản lý, chuyên gia và nhân sự quản lý chuỗi cung ứng phải thấu hiểu được nguyên tắc và mục tiêu của việc đo lường hiệu quả hoạt động của quy trình chuỗi cung ứng. Một trong những đóng góp có giá trị lớn của mô hình SCOR là khả năng cung cấp cho người sử dụng mô hình công cụ truy cập nhanh vào các thước đo hiệu suất điển hình và được hệ thống theo cấp độ. Nhờ đó, SCOR có thể được áp dụng hiệu quả trong bất kỳ doanh nghiệp nào, dù là lớn hay nhỏ. |
Tham khảo
APICS. (2017). SCOR 12.0 Quick Reference Guide [Ebook] (p. 5).
APICS. (2017). Supply Chain Operations Reference Model [Ebook] (11th ed.).
Bolo A. Z. (2011). An empirical investigation of selected strategy variables on firms performance: A study of supply chain management in large private manufacturing firms in Kenya. Journal of Public Administration and Policy Research, 3(8), 228.
Gwako Z. (2008). Supply chain performance measurement in the aviation industry: a case study of Kenya airways ltd (Doctoral dissertation)
Kamah S. S. (2012). Outsourcing and supply chain performance among mobile telephone service providers in Kenya (Doctoral dissertation).
______________________________________
Chuỗi bài viết về Mô hình tham chiếu vận hành chuỗi cung ứng (Supply Chain Operations Reference Model – SCOR Model) gồm 5 chủ đề. Mục tiêu giúp nhân sự, chuyên gia, nhà quản trị trong mọi lĩnh vực hiểu hơn về mô hình SCOR nổi tiếng được vận dụng như một phương pháp, công cụ chuẩn đoán, tham chiếu, đối chuẩn và đánh giá hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết mới sẽ ra mắt vào thứ 6 hằng tuần theo lộ trình cụ thể như sau:
- 25/06/2021: Mô Hình Tham Chiếu Vận Hành Chuỗi Cung Ứng – Supply Chain Operations Reference Model (SCOR Model)
- 02/07/2021: Cấu trúc của mô hình tham chiếu vận hành chuỗi cung ứng (SCOR Structure)
- 09/07/2021: Quy mô áp dụng của mô hình tham chiếu vận hành chuỗi cung ứng – SCOR
- 16/07/2021: Yếu tố hiệu suất trong mô hình SCOR
- 23/07/2021: Khung tham chiếu nhân sự SCOR trong quản lý chuỗi cung ứng